Thứ Năm, 2 tháng 6, 2016

SỰ THIÊNG LIÊNG PHẢI GIỮ GÌN ĐỘC LẬP, TỰ DO CỦA TỔ QUỐC

 Là một dân tộc đất không rộng, người không đông, nhưng trong suốt chiều dài lịch sử, dân tộc ta luôn phải đấu tranh chống lại sự xâm lược của các thế lực hùng mạnh. Các thế hệ người Việt Nam đã sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để giành và giữ độc lập, tự do cho Tổ quốc. Đó là sự hy sinh tự nguyện cho một mục tiêu chân chính, một lý tưởng cao đẹp; là hành động ái quốc của một dân tộc anh hùng - một biểu tượng ngời sáng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.
Trong đêm trường nô lệ, các phong trào đấu tranh yêu nước vẫn liên tục nổ ra nhưng đều bị dìm trong biển máu và thất bại. Đến những năm đầu của thế kỷ XX, với khát vọng cháy bỏng: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”[1], Người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã bôn ba khắp năm châu bốn biển để tìm ra con đường cứu nước. Và khi thời cơ thuận lợi đã tới “dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. Khát vọng và ý chí quyết giành độc lập, tự do của toàn dân tộc đã tạo nên sức mạnh to lớn làm nên thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám, mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc ta, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, đưa nhân dân ta từ địa vị nô lệ trở thành người tự do. Thay mặt toàn thể đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”[2].
Thế nhưng, nền độc lập của dân tộc, quyền tự do của nhân dân vừa mới giành được lại đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, thù trong giặc ngoài cấu kết với nhau nhằm bóp chết chính quyền còn non trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa. Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên! Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp, cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”[3]. Lời kêu gọi đã động viên toàn dân tộc ta đứng lên chống thực dân Pháp. Sau chín năm trường kỳ kháng chiến, “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”, toàn dân tộc tộc đã đứng lên đánh bại đế quốc, thực dân, làm nên một Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, giải phóng miền Bắc.
Nhưng ngay sau đó đế quốc Mĩ lại kế chân xâm lược nước ta, chúng không cho dân tộc ta được sống trong hoà bình, độc lập, tự do. Sau 20 năm chiến đấu ròng rã, hàng chục triệu người đã hiến dâng tuổi thanh xuân, hiên ngang “Nhằm thẳng quân thù - bắn!” đã đánh bại tên đế quốc giàu mạnh nhất hành tinh. Thắng lợi đó có nhiều nguyên nhân, nhưng xét đến cùng, nguyên nhân sâu xa, đó là ý chí quyết tâm đánh Mĩ và thắng Mĩ để bảo vệ vững chắc quyền độc lập, tự do của Tổ quốc. Khi phân tích nguyên nhân thất bại của Mĩ tại Việt Nam, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kì Mắc Na-ma-ra nêu lên 11 nguyên nhân chính khiến nước Mĩ thảm bại, trong đó có nguyên nhân từ phía giới lãnh đạo nước Mĩ: “Đánh giá thấp sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc đã thúc đầy một dân tộc giàu lòng yêu nước đấu tranh và hy sinh cho lý tưởng và các giá trị của nó, chúng tôi thiếu sự hiểu biết cơ bản về lịch sử, văn hoá, chính trị của Việt Nam”[4].
Một dân tộc đã gan góc đấu tranh, triệu người như một, đồng tâm, hiệp lực chiến đấu kiên cường đánh bại mọi mọi âm mưu, hành động xâm lược của kẻ thù, giải phóng hoàn toàn đất nước, thống nhất Tổ quốc, đi lên chủ nghĩa xã hội. Hàng vạn người con ưu tú của dân tộc ta đã ngã xuống trên chiến trường hoặc khi trở về đã mang trên mình thương tật suốt đời, hiến dâng tuổi thanh xuân và cả cuộc sống của mình cho các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Hàng triệu thân nhân liệt sĩ đã mãi mãi không thể gặp lại những người thân yêu nhất của mình. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta mãi mãi ghi tạc và đời đời biết ơn sự hy sinh, cống hiến to lớn đó.
Trân trọng, giữ gìn và phát huy giá trị của độc lập, tự do, hiện nay đại bộ thanh thiếu niên đã và đang tích cực học tập, lao động, công tác góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nhưng vẫn còn một bộ phận sống thiếu lý tưởng, giảm sút niềm tin, thiếu trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội; xem nhẹ truyền thống, coi thường đạo lý, phủ nhận quá khứ. Thậm chí, có người còn lên tiếng ủng hộ các luận điệu xuyên tạc, phản động cho rằng, các cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc ta trong thế kỷ XX là “cuộc chiến tranh phi nghĩa”, là “sự hy sinh xương máu một cách vô ích”; cá biệt một số người còn bị kích động, lôi kéo tham gia các hoạt động trái pháp luật, bị các thế lực thù địch lợi dụng làm tổn hại đến lợi ích của quốc gia dân tộc.
Vì vậy, để thế hệ trẻ có nhận thức đầy đủ về giá trị của độc lập, tự do; thấu hiểu những hy sinh mất mát to lớn của các thế hệ cha anh trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, cần tập trung giáo dục lịch sử dân tộc; truyền thống văn hóa của dân tộc, của Đảng; những anh hùng, liệt sĩ; những tấm gương yêu nước tiêu biểu và tuyên truyền âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch đối với cách mạng nước ta trong tình hình mới.
 Để làm được điều đó, cần tích cực hóa quá trình dạy học môn lịch sử bằng cách tái hiện một cách sinh động, có hồn những sự kiện lịch sử quan trọng. Kết hợp nhiều kênh thông tin cung cấp kiến thức lịch sử, truyền thống nhất là sách, báo, tranh ảnh, tư liệu, phim, nhạc… kích thích sự hứng thú, say mê tìm tòi, nghiên cứu về lịch sử. Sử dụng phổ biến các hình thức: tọa đàm, sinh hoạt chuyên đề, diễn đàn, thi tìm hiểu, tuyên truyền, biểu dương người tốt, việc tốt trong học tập, lao động, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc để bồi dưỡng lòng yêu nước, tinh thần tự lực, tự cường, ý chí kiên cường, dũng cảm; khơi dậy ước mơ, hoài  bão lớn trong mỗi người.
Chú trọng phát huy giá trị của những chứng tích lịch sử; tăng cường các hoạt động tham quan các di tích lịch sử, căn cứ địa cách mạng; tổ chức giao lưu, nói chuyện truyền thống để thế hệ trẻ tìm hiểu về những người thật, việc thật, nhận rõ cái giá phải trả cho độc lập, tự do của dân tộc, tự hào với truyền thống của các thế hệ cha anh, soi mình vào những tấm gương tiêu biểu trong xã hội; từ đó nhận thấy trách nhiệm của mình với Tổ quốc, với gia đình và xã hội, góp sức mình xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh.
Xây dựng môi trường văn hóa tôn vinh những giá trị truyền thống, lịch sử; kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng chuẩn mực đạo đức, tấm gương điển hình với “chống” mọi biểu hiện, hành vi trái với đạo lý, truyền thống dân tộc. Mỗi gia đình, các cấp, các ngành và các tổ chức xã hội cần tiếp tục biểu hiện lòng biết ơn sâu sắc, sự tôn vinh đối với những người đã hy sinh vì nước bằng những việc làm cụ thể, thiết thực để thế hệ trẻ học tập, noi theo.
Đặc biệt, mỗi thanh thiếu niên cần đề cao tinh thần tự học, tự rèn; tích cực tìm hiểu về lịch sử, truyền thống của dân tộc, của quê hương; tham gia tích cực vào các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, chia sẻ giúp đỡ các gia đình có công với nước, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn; sống thủy chung, chí nghĩa, chí tình, không bàng quang, vị kỷ cá nhân; xây dựng thái độ học tập, lao động, công tác đúng đắn; xây dựng tinh thần lao động cần cù, sáng tạo; thường xuyên tự tu dưỡng, rèn luyện hoàn thiện bản thân; chủ động hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Có lẽ, hơn bất cứ dân tộc nào trên thế giới, dân tộc Việt Nam thấu hiểu sự vô giá của độc lập, tự do. Bởi để có hòa bình, độc lập, tự do, dân tộc ta đã phải đánh đổi bằng tính mạng, xương máu và nước mắt của lớp lớp các thế hệ người Việt Nam. Thế hệ trẻ hôm nay không có quyền quên và không được phép quên những cống hiến, hy sinh của các thế hệ cha anh, trái lại phải luôn tự hào và nguyện sống xứng đáng với các thế hệ đi trước; luôn trân trọng, giữ gìn và góp phần giữ vững độc lập, tự do của Tổ quốc; biến truyền thống thành bản lĩnh, ý chí; chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh./.




[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, H. 2002, tr.161
[2] Hồ Chí Minh,  Toàn tập, Nxb CTQG, tập 4, H.2009, tr.4
[3] Hồ Chí Minh,  Toàn tập, Nxb CTQG, tập 4, H.2009, tr.480
[4] Robet Mc. Namara, Nxb CTQG, H.1995, tr.3163. Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb CTQG, H.2000, tập 7 (1940  - 1945) tr.113.

ĐẰNG SAU LUẬN ĐIỆU ĐỀ NGHỊ ĐỔI TÊN ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

Hiện nay, có một số người lợi dụng tự do, dân chủ trong nghiên cứu khoa học, đề xuất đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành Đảng Dân chủ Việt Nam hoặc quay trở lại với tên gọi trước đây là Đảng Lao động Việt Nam; thực chất phía sau luận điệu đó là gì?
Chúng ta đều biết, ngày 3 tháng 2 năm 1930 dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời với chủ trương hợp nhất các tổ chức cộng sản ở Đông Dương theo chủ trương của Quốc tế Cộng sản. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời chính là sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác –Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước, là sự vận dụng sáng tạo học thuyết Mác – Lênin vào điều kiện thực tiễn Việt Nam. Ngay từ tên gọi Đảng Cộng sản Việt Nam đã thể hiện rõ mục tiêu, lý tưởng của Đảng là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
 Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong, lãnh tụ chính trị của giai cấp công nhân và toàn dân tộc Việt Nam. Mục tiêu cao nhất của Đảng là giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi mọi sự áp bức, bóc lột, đem lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân, đấu tranh vì độc lập dân tộc và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và từng bước tiến tới xã hội cộng sản. Đảng là một tổ chức chặt chẽ thống nhất ý chí và hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc cơ bản, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, thương yêu đồng chí, kỷ luật nghiêm minh; đồng thời thực hiện các nguyên tắc tự phê bình, đoàn kết trên cơ sở Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, giữ mối liên hệ mật thiết với nhân dân, Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Trong khi Đảng Cộng sản Việt Nam mới 15 tuổi, với hơn 5000 đảng viên đã lãnh đạo nhân dân tiến hành cách mạng tháng Tám thành công, lập ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (ngày 2 tháng 9 năm 1945) – nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Với sự quy tụ sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân giành chiến thắng vĩ đại trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, chiến thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; thống nhất đất nước, làm tròn nghĩa vụ quốc tế, đạt được “những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử” trong công cuộc đổi mới, đưa đất nước vững bước hội nhập quốc tế và đi lên chủ nghĩa xã hội.
Đảng Cộng sản Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động. Chủ nghĩa Mác – Lênin, là kết tinh ở tầm cao trí tuệ nhân loại, là vũ khí lý luận của giai cấp công nhân và nhân loại tiến bộ; là một học thuyết cách mạng, khoa học giúp con người nhận thức và cải tạo thế giới, về những quy luật của tự nhiên, xã hội và tư duy con người, về những con đường cách mạng để xóa bỏ chế độ bóc lột, xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa, chủ nghĩa cộng sản.
 Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Hơn 86 năm qua, với đường lối lãnh đạo đúng đắn, nền tảng tư tưởng vững vàng,  đội ngũ cán bộ - đảng viên luôn kiên định với mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đội ngũ đảng viên của chúng ta xứng đáng với tên gọi đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng ta trong quá trình lãnh đạo cách mạng luôn coi trọng  tổng kết thực tiễn, khái quát lý luận để làm phong phú thêm kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin. Đảng ta luôn luôn kiên định những nguyên lý có tính nền tảng và vận dụng đúng đắn những học thuyết đó vào thực tiễn đất nước ta; kiên quyết sửa chữa sai lầm khuyết điểm nếu mắc phải, lắng nghe ý kiến của nhân dân, đấu tranh khắc phục khuynh hướng giáo điều, quan liêu xa dân. Thực tế, có một thời kỳ lịch sử, Đảng ta có tên gọi là Đảng Lao động Việt Nam từ Đại hội II (năm 1951) đến trước Đại hội IV(năm 1976). Tuy tên gọi của Đảng khác nhau để phù hợp với từng giai đoạn lịch sử nhưng bản chất của Đảng là đội tiên phong, bộ tham mưu chiến đấu của giai cấp công nhân thì không hề thay đổi. Đại hội Đảng lần thứ IV, toàn thể các đại biểu đều nhất trí với tên gọi như thời kỳ đầu thành lập Đảng là Đảng Cộng sản Việt Nam; đó là sự phù hợp với mục tiêu, lý tưởng và bản chất của Đảng. Hiện nay, với tên gọi Đảng Cộng sản Việt Nam với những thắng lợi to lớn và có ý nghĩa lịch sử đã ghi sâu đậm trong trái tim nhân dân và bạn bè quốc tế. Do đó, việc đổi tên Đảng là sự không cần thiết, thậm chí còn gây lãng phí và tốn kém cho việc phải sửa chữa và hiệu đính lại các văn bản, giấy tờ, điều đó đi ngược lại với di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh: điều gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, điều gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh.
Thực chất đằng sau luận điệu đề nghị đổi tên Đảng là biểu hiện của chủ nghĩa cơ hội, xét lại dưới hình thức khác nhau, hòng làm mơ hồ ảo tưởng trong quần chúng nhân dân và xóa bỏ sự tồn tại mô hình đảng cộng sản thực chất là để tìm kiếm tuyên ngôn không cộng sản trong thế kỷ XXI. Từ việc đề nghị đổi tên Đảng đến việc từ bỏ hệ tư tưởng của Đảng là một việc làm trong gang tấc, rồi đến thay đổi điều 4 trong Hiến pháp quy định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với toàn xã hội. Đây là những giọng điệu thể hiện một kịch bản rất sâu xa nằm trong những âm mưu, thủ đoạn thâm độc của chiến lược “diễn biến hòa bình” mà các thế lực thù địch đang ra sức kích động.

Bài học rút ra từ sự đổ vỡ của Liên Xô có nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan, trong đó có việc tự đánh mất vai trò lãnh đạo của Đảng đối với toàn xã hội, làm cho chế độ bị sụp đổ nhanh chóng. Do vậy ở nước ta hiện nay, ai đó có vô tình hay hữu ý, là đảng viên hay không phải đảng viên, là người trong nước hay ở ngoài nước hãy thức tỉnh và có ý nghĩ đúng về vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi ra đời đến nay cũng như mãi mãi về sau. Chúng ta có thể khẳng định rằng, không có một đảng phái chính trị mới nào có thể thay thế được vai trò lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo dân tộc, lãnh đạo nhân dân, đúng đắn và đạt được thành tựu vẻ vang như Đảng Cộng sản Việt Nam. Vì vậy, giữ nguyên tên gọi: “Đảng Cộng sản Việt Nam”, vừa là tình cảm, vừa là trách nhiệm cao cả của mỗi cán bộ, đảng viên mà còn là lương tri và hòn đá thử tình yêu với Đảng, với dân tộc của mỗi người dân Việt Nam. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã diễn ra và thành công tốt đẹp, tiếp tục đưa ra những quyết sách rất quan trọng để lãnh đạo đất nước trong giai đoạn cách mạng mới và sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp, trong đó có nội dung tiếp tục lãnh đạo công tác xây dựng Đảng. Đảng ta từ khi ra đời đến nay đã lãnh đạo dân tộc ta giành từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, thực sự là một đảng “đạo đức và văn minh”, là “người lãnh đạo, người đầy tớ của nhân dân”, đang ra sức thực hiện mục tiêu: “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.