Thứ Ba, 4 tháng 4, 2017

Giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay

Thứ nhất, tăng cường công tác giáo dục, quản lý đội ngũ cán bộ, đảng viên (CB,ĐV), trước hết với những người nắm giữ các chức vụ cao, cương vị lãnh đạo, quản lý trong bộ máy nhà nước, những người công tác ở các lĩnh vực nhạy cảm dễ xuất hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực (TN,TC). Công tác giáo dục, quản lý đội ngũ CB,ĐV là công tác xây dựng con người, đặc biệt là người đứng đầu,  giữ trọng trách lãnh đạo, quản lý trong bộ máy công quyền nhà nước. Thực chất đây là biện pháp phòng ngừa TN,TC từ xa; gắn “xây với chống”, “lấy xây để chống”, lấy phòng là chính và làm tốt phòng ngừa sẽ ít phải chống và chống sẽ hiệu quả.
Thứ hai, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, sự điều hành của chính quyền các cấp đối với nạn TN,TC. Các cấp phải coi đây là một trong những trọng tâm lãnh đạo của cấp ủy, nội dung sinh hoạt hằng tháng của chi bộ, cơ quan, tổ chức; lấy kết quả chống TN,TC làm cơ sở để đánh giá năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, hiệu lực điều hành, quản lý của chính quyền và phẩm chất, năng lực, trách nhiệm của người đứng đầu. Cấp ủy, chính quyền các cấp làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục để CB,ĐV và nhân dân hiểu đúng và thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chống TN,TC; nắm vững thực trạng đang diễn ra hiện nay và đề cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tự giác trong thực hiện nhiệm vụ này.
Thứ ba, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội đảm bảo đủ sức răn đe, nghiêm trị các hành vi TN,TC. Dưới góc độ quản lý nhà nước, hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách về công tác phòng, chống TN,TC ở nước ta đang có sự bổ sung, nhưng nhìn chung còn thiếu đồng bộ, trên một số lĩnh vực còn sơ hở, chưa theo kịp sự phát triển mạnh mẽ của đất nước trong thời kỳ đổi mới. Bởi vậy, trong thời gian tới cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật làm căn cứ pháp lý để giáo dục, răn đe, xử lý các hành vi TN,TC. Đồng thời, cần có chế tài đủ mạnh cả về hình sự lẫn kinh tế đối với hành vi TN,TC và những người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra TN,TC; kiên quyết loại bỏ khỏi bộ máy nhà nước những cán bộ, công chức TN,TC, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm giàu bất chính, làm thất thoát tài sản của Nhà nước, tổ chức, hoặc để người thân lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình nhằm trục lợi dù người đó là ai, ở cương vị nào. Cùng với đó, cần tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật, nhằm khắc phục những sơ hở, thiếu sót, bảo đảm công khai, minh bạch trong quản lý kinh tế - xã hội; quản lý có hiệu quả các khoản chi theo đúng dự toán đã cấp; kiểm soát chặt chẽ chi đầu tư xây dựng cơ bản,...
Thứ tư, phát huy vai trò của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương trong phòng, chống TN,TC. Thực tiễn chỉ ra rằng, ở đâu người đứng đầu có tinh thần trách nhiệm cao, gương mẫu, sâu sát trong công tác quản lý, kiên quyết với những sai phạm, thì ở đó, việc phòng, chống TN,TC được thực hiện tốt và ngược lại. Bởi vậy, phát huy vai trò của người đứng đầu đối với nhiệm vụ này là vấn đề cấp thiết hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta thấy, hầu hết các vụ TN,TC được phát hiện đều là những cán bộ có chức, có quyền, trong đó có nhiều người đứng đầu các cơ quan, doanh nghiệp. Do đó, việc phòng, chống TN,TC phải bắt đầu từ người đứng đầu. Có như vậy, mới cảnh tỉnh, răn đe, giáo dục được cấp dưới và ngăn chặn được tham nhũng từ nội bộ. Để làm được điều đó, người đứng đầu phải quán triệt và nắm vững các chỉ thị, nghị quyết, quy định của trên về phòng, chống TN,TC; tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả trên lĩnh vực quản lý. Bản thân người đứng đầu phải thực sự gương mẫu, đi đầu trong thực hiện các quy định, pháp luật hiện hành; thực hiện nói đi đôi với làm; chặt chẽ, đúng nguyên tắc trong quản lý kinh tế; trong sạch, giản dị trong cuộc sống. Các cấp ủy cần coi đây là tiêu chuẩn đánh giá năng lực, đạo đức, lối sống của người đứng đầu; phê bình, xử lý nghiêm khắc những người thiếu gương mẫu, vi phạm các chế độ quy định và có hành vi TN,TC.
Thứ năm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; xây dựng chế độ tiền lương, phụ cấp hợp lý, có cơ chế, chính sách nhằm phát huy sức mạnh của toàn dân, của hệ thống chính trị trong đấu tranh phòng, chống TN,TC. Các cấp phải phát huy vai trò kiểm tra, giám sát của các tổ chức đảng, công tác thanh tra của các ngành chức năng để phát hiện và ngăn chặn kịp thời hành vi TN,TC. Trong quá trình thực hiện phải gắn kiểm tra, giám sát thường xuyên, toàn diện với kiểm tra, giám sát chuyên đề, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát các quy chế, quy định về phòng, chống TN,TC để có cơ sở kết luận được chính xác. Đồng thời, có cơ chế, chế tài bảo đảm cho việc giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có hiệu lực trên thực tế; tiếp tục hoàn thiện và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan chức năng về phòng, chống TN,TC; hoàn thiện cơ chế phối hợp công tác, tạo môi trường lành mạnh, bảo đảm cho nhiệm vụ phòng, chống TN,TC đạt hiệu quả. Để góp phần phòng, chống TN,TC có hiệu quả, trước hết cần quan tâm đến mức sống của cán bộ, công chức, viên chức, phấn đấu để họ chủ yếu sống bằng lương và có mức thu nhập tương đương mức thu nhập khá trong xã hội. Có chế độ đãi ngộ tương xứng, đi kèm trách nhiệm rõ ràng đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan, đơn vị làm công tác phòng, chống TN,TC.
Phòng, chống TN, TC là nhiệm vụ cấp bách và lâu dài, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều đối tượng, cương vị xã hội khác nhau, do đó phải có quyết tâm cao, lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt những giải pháp đồng bộ, phù hợp mới đạt kết quả mong muốn.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét