Thứ Sáu, 8 tháng 12, 2017

Không thể xuyên tạc, bóp méo sự thật về nhân quyền Việt Nam

Bảo vệ và thúc đẩy các quyền cơ bản của người dân là chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Thời gian qua, các nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc không ngừng bảo đảm và cải thiện các quyền cơ bản của người dân đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Vậy mà đây đó vẫn có những giọng điệu lạc lõng xuyên tạc, bóp méo, phản ảnh không đúng về tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Nhưng dù bằng chiêu trò gì chăng nữa, các thế lực thù địch, phản động cũng không thể phủ nhận được những thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền của người dân.
Quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là quyền con người được bảo đảm và thực hiện bằng Hiến pháp và pháp luật. Ngay từ khi ra đời, Nhà nước Việt Nam đã đặt nhiệm vụ bảo đảm quyền con người vào vị trí trung tâm. Trong bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy". Sau đó, các nội dung liên quan đến quyền con người được thể chế hóa thành những quyền hiến định trong bản Hiến pháp đầu tiên (Hiến pháp 1946). Qua 4 lần sửa đổi, bổ sung từ Hiến pháp 1946 đến Hiến pháp 1959, rồi Hiến pháp 1980, Hiến pháp 1992 và năm 2013, quyền con người ở Việt Nam đã thực sự trở thành quyền hiến định.
Trải qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử xuyên suốt tiến trình đấu tranh cách mạng, thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN, Đảng và Nhà nước ta luôn hướng tới mục tiêu cao nhất là tôn trọng và bảo đảm các quyền con người. Đảng ta chủ trương xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN với bản chất là "Nhà nước của dân, do dân và vì dân". Trong hệ thống các quan điểm cơ bản, chính sách nhất quán và khuôn khổ pháp luật, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn xác định con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam đều hướng đến mục tiêu cao nhất là vì con người, cho con người. 
Để thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước Việt Nam đã từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật và cơ chế, coi đây là yếu tố then chốt trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Đảng và Nhà nước Việt Nam rất quan tâm đến đổi mới công tác xây dựng pháp luật và đẩy mạnh cải cách tư pháp. Công việc này được đặt trong mối quan hệ với chủ trương đẩy mạnh cải cách hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước, hướng tới mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN. Những năm gần đây, Nhà nước Việt Nam đã ban hành mới và bổ sung, sửa đổi nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, trong đó bảo vệ quyền của nhóm các đối tượng dễ bị tổn thương được đặc biệt quan tâm. Hiến pháp và pháp luật Việt Nam bảo đảm đầy đủ các quyền cơ bản của con người trên tất cả các lĩnh vực chính trị, dân sự, kinh tế, xã hội, văn hóa. Hệ thống pháp luật của Việt Nam đều phù hợp với thực tế đất nước và tương thích với các chuẩn mực quốc tế được quy định trong Tuyên ngôn Nhân quyền và các Công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam tham gia.
Hệ thống luật pháp không ngừng hoàn thiện là tiền đề và điều kiện để Việt Nam từng bước thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước về quyền con người, tạo hành lang pháp lý cho việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Những thành tựu về bảo đảm và cải thiện các quyền cơ bản của người dân Việt Nam được thể hiện rất rõ trong việc thực hiện các quyền về dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội... Đặc biệt ở Việt Nam, các quyền bầu cử, ứng cử và tham gia quản lý Nhà nước, quản lý xã hội của người dân luôn được bảo đảm. Nhà nước Việt Nam chủ trương mở rộng dân chủ, thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; nhân dân là người quyết định mọi công việc của Nhà nước. Công dân Việt Nam có quyền tham gia quản lý xã hội một cách trực tiếp hoặc thông qua người đại diện do mình tin tưởng bầu ra. Nhà nước Việt Nam không ngừng phấn đấu để bảo đảm và tạo điều kiện cho mọi công dân thực hiện quyền tham gia quản lý Nhà nước, quản lý xã hội, coi đây là một trong những nhóm quyền quan trọng nhất của công dân.
                                                                                                      (Còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét