Thứ Hai, 23 tháng 4, 2018

THANH NIÊN TRONG GIỮ GÌN BẢN SẮC VĂN HÓA DÂN TỘC HIỆN NAY

Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển, là linh hồn, là sức sống của mỗi quốc gia dân tộc. Trong quá trình dựng nước và giữ nước, văn hóa Việt Nam là một thực thể, đồng thời hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh con người Việt, nhờ vậy nền văn hóa giàu bản sắc của Nước ta không bị mai một và không bị đồng hóa. Theo cách hiểu chung nhất, bản sắc văn hóa của một dân tộc là những giá trị đặc trưng về văn hóa để phân biệt dân tộc này với dân tộc khác. Những giá trị đó nằm chủ yếu trong tâm thức, cốt cách của con người và được thể hiện ra trong mọi mặt đời sống cũng như trong mọi hoạt động, mọi quan hệ của con người và trong di sản văn hóa của mỗi dân tộc.
Hiện nay, hội nhập quốc tế, hợp tác quốc tế cùng phát triển đang là xu hướng chung của thế giới, nó mở ra khả năng to lớn để các dân tộc giao lưu toàn diện trên phạm vi toàn cầu, tạo động lực, cơ hội cũng như thách thức cho mỗi quốc gia trong quá trình đổi mới. Việt Nam đang đứng trước cơ hội để phát triển, nâng cao và kế thừa những tinh hoa văn hóa của nhân loại, làm giàu bản sắc văn hóa dân tộc mình do quá trình hội nhập quốc tế mang lại. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực của quá trình hội nhập cũng gây ra không ít những khó khăn, thách thức đối với bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Đó là các hiện tượng sùng bái ngoại lai, xem nhẹ giá trị dân tộc, chạy theo lối sống hưởng thụ, thực dụng, cá nhân vị kỷ, coi trọng lợi ích vật chất, lợi ích cá nhân, lợi ích trước mắt; hạ thấp giá trị tinh thần, coi nhẹ giá trị cộng đồng; suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân; các tệ nạn xã hội ngày càng tăng và tính nguy hiểm cho xã hội và cộng đồng ngày càng lớn…
Đặc biệt, sự chống phá của các thế lực thù địch thông qua tranh ảnh, sách báo, băng nhạc, băng hình có tính chất kích động dâm ô, bạo lực du nhập vào nước ta ngày càng nhiều gây tác động không nhỏ đến thuần phong mỹ tục của dân tộc. Di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, văn hóa vật thể truyền thống bị xâm hại nghiêm trọng hoặc bị chính người dân xem nhẹ, thậm chí lãng quên… Tình hình đó thật sự là một trong những thách thức lớn đối với việc giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc của văn hóa Việt Nam hiện nay. Do vậy, nó đặt ra một vấn đề nếu không giữ gìn và phát huy được bản sắc văn hóa dân tộc thì không những không thành công trong hội nhập mà còn có thể bị đánh mất giá trị văn hóa truyền thống, trở thành nô lệ văn hóa cho dân tộc khác.
Nhìn lại lịch sử dân tộc, chúng ta không khỏi tự hào bởi truyền thống anh hùng, bất khuất đứng lên chống giặc ngoại xâm của bao thế hệ, kẻ thù đã nhiều lần thực hiện âm mưu “đồng hóa” dân tộc Việt, “khai hóa văn minh”, nhưng chúng đều thất bại. Chúng ta vẫn giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc của văn hóa Việt một cách trọn vẹn. Bản sắc dân tộc của văn hóa Việt Nam "bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được vun đắp nên qua lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân-gia đình-làng xã-Tổ quốc; lòng nhân ái khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý, đức tính cần cù sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống". Những giá trị đó là sản phẩm sáng tạo của Dân tộc ta qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Tuy chưa phải là tất cả nhưng đó chính là những giá trị trường tồn của dân tộc, những nét chủ yếu, nổi bật nhất trong bản sắc dân tộc của văn hóa Việt Nam.
Thanh niên là thế hệ tương lai của đất nước, đảm nhiệm xây dựng đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như lời chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời đã căn dặn, ngày nay đó là sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đối với nhiệm vụ giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, thế hệ trẻ phải đóng vai trò trụ cột, đi tiên phong trong đấu tranh bảo vệ, giữ gìn và phát huy, để nó ngày càng bền vững, có sức lan tỏa rộng lớn ở trong nước và ra thế giới. Hơn nữa, thực tế cho thấy những hiện tượng có “vấn đề” liên quan tới giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc đều tập trung ở lực lượng thanh niên là chủ yếu, họ phải tự mình khắc phục và giải quyết các vấn đề đó một cách ổn thỏa. Nếu thanh niên không sớm nhận thức và có những hành động thiết thực, thậm chí phải quyết liệt để giữ gìn và bảo vệ bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc thì không chỉ lực lượng họ khó có điều kiện để phát triển mà đất nước cũng đứng trước nhiều nguy cơ tụt hậu khó lường trong quá trình hội nhập./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét