Thứ Hai, 28 tháng 5, 2018

SỰ RA ĐỜI, HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ CHỨC XÃ HỘI DÂN SỰ ĐỘC LẬP

Xã hội là quan hệ giữa người với người. Trong các chế độ nô lệ, phong kiến, quan hệ giữa người với người là quan hệ đẳng cấp, về chính trị, kinh tế luôn luôn bất bình đẳng. Xã hội dân sự (Civil society) chỉ ra đời sau khi có các cuộc cách mạng dân chủ tư sản. Những cuộc cách mạng này đã lật đổ chế độ đẳng cấp đó, tuyên bố về quyền bình đẳng, về “quyền công dân” (tất nhiên đây chỉ là về mặt pháp lý, còn trên thực tế thì quyền bình đẳng thực sự chưa được bảo đảm). Giai cấp tư sản thống trị xã hội bằng quan hệ kinh tế, quan hệ giữa chủ với thợ và bằng thể chế chính trị của mình.
Tổ chức XHDS chính trị độc lập (còn gọi là các tổ chức “phi chính phủ”- non-governmental organization-NGOs) là những tổ chức tự nguyện, là liên minh, là sự tập hợp những người có chung những mục tiêu, lý tưởng, tự quản trong hoạt động và tự chịu trách nhiệm về tài chính.
Về mặt lịch sử, XHDS ra đời từ sau khi có Cách mạng Dân chủ tư sản Anh (1642-1689). Tuy nhiên, hai cuộc cách mạng dân chủ tư sản điển hình là Cách mạng Pháp năm 1789, Cách mạng giành độc lập của Mỹ năm 1776 và Hiến pháp Mỹ năm 1787 mới là cơ sở bền vững cho XHDS và tổ chức XHDS độc lập.
Trên phạm vi quốc tế, cơ sở chính trị, pháp lý của XHDS bắt nguồn từ những văn kiện quạn trọng nhất của cộng đồng quốc tế. Đó là Hiến chương Liên hợp quốc (United Nations Conference on International Organization, tại San Francisco, California,ngày 26-6-1945); tiếp đó là văn kiện “Tuyên ngôn thế giới về quyền con người”, ngày 10-12-1948. Trong "Tuyên ngôn thế giới về quyền con người", quyền tự do hội họp và lập hội đã được quy định như sau: “Mọi người đều có quyền tự do hội họp và lập hội, một cách ôn hòa; không một ai có thể bị cưỡng bức gia nhập vào một đoàn thể” (Ðiều 20).
Trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, những giá trị chung của nhân loại, trong đó có quyền con người với những giá trị nền tảng là tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết và trách nhiệm (bổ sung của tác giả) được chia sẻ giữa các quốc gia, dân tộc theo những phương thức khác nhau. Tuy nhiên, Hoa Kỳ và các quốc gia tư bản chủ nghĩa (TBCN) phương Tây đã dùng chiến lược “diễn biến hòa bình”, lợi dụng khái niệm dân chủ, nhân quyền, XHDS đưa các “giá trị dân chủ, nhân quyền” của họ “thẩm thấu” vào các quốc gia xã hội chủ nghĩa (XHCN), từng bước “mở tung bức màn sắt của chế độ cộng sản” (theo cách nói của họ).
Vào những năm từ 1985 đến 1991, các nước XHCN cải tổ. Ở Ba Lan, tổ chức “Công đoàn đoàn kết” giữ vai trò ngòi nổ và đột phá làm sụp đổ chế độ xã hội và nhà nước do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Ở Liên Xô, Mỹ và phương Tây sử dụng quan điểm về dân chủ, nhân quyền, XHDS độc lập để tấn công phá hủy ý thức hệ XHCN. Rốt cuộc, quốc gia hùng mạnh bậc nhất thế giới một thời đã tan rã, sụp đổ.
Tuy nhiên ở một số quốc gia khác, trong đó có Việt Nam, quá trình đổi mới đã tiếp thu có chọn lọc các giá trị quyền con người, kinh tế thị trường và nhà nước pháp quyền với sự vận dụng, phát triển sáng tạo phù hợp truyền thống dân tộc và chế độ xã hội do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đã vượt qua khủng hoảng, tồn tại và ngày càng phát triển.

1 nhận xét:

  1. cần có những bài viết như thế này mới biết rõ bản chất của những vấn đề địch chống phá

    Trả lờiXóa