Thứ Bảy, 17 tháng 11, 2018

SỰ KHÁC BIỆT GIỮA CHỦ NGHĨA XÃ HỘI DÂN CHỦ VỚI “CON ĐƯỜNG THỨ BA”

- Về triết học và chính trị: Những người xã hội dân chủ (XHCNDC) tán thành các nguyên tắc phát triển không dựa trên quan niệm duy vật mà “để ngỏ về thế giới quan". Họ phủ nhận quan niệm phát triển biện chứng và theo đuổi quan niệm phát triển cải lương với sự lựa chọn chính trị đa nguyên do sự đa dạng của các quan hệ sở hữu, cơ cấu xã hội và quan hệ kiến trúc thượng tầng. 
Còn "con đường thứ ba" thì cho rằng, cùng với việc số lượng giai cấp công nhân giảm sút nhanh chóng và thế giới hai cực mất dần; việc phân chia địa vị nổi bật của chính trị theo quan điểm giai cấp và truyền thống tả - hữu đã yếu đi. Trong tình hình đó, về chính trị "con đường thứ ba" chủ trương, một mặt, phải phê phán quan niệm chính trị đối lập hai cực tả và hữu trong xã hội tư bản, coi giai cấp là cơ sở đoàn kết, để chuyển sang quan niệm lấy lực lượng trung gian làm hạt nhân. Mặt khác, phải thực hiện cải cách nền chính trị của các chính đảng, làm cho nền chính trị thoát khỏi truyền thống chỉ phục vụ một số lực lượng chính trị nào đó; từ đó hình thành trung tâm chính trị có thể đoàn kết các lực lượng chính trị, các tổ chức xã hội. 
Vì thế, "con đường thứ ba" tán thành tính độc lập tự chủ các hiệp hội, đảng phái chính trị trong một nhà nước pháp quyền tự do. Xã hội dân sự, theo họ, có quan hệ song không đồng nhất với nhà nước; do đó dân chủ xã hội cũng không đồng nhất với dân chủ chính trị, quyền công dân không đồng nhất với quyền con người; các đảng chính trị không đại diện lợi ích giai cấp, mà đại diện lợi ích của các tầng lớp, nhóm phái, vùng lãnh thổ trong xã hội dân sự. 
- Về hệ tư tưởng: những người XHCNDC nhấn mạnh "phi ý thức hệ" để hướng vào hoàn thiện đạo đức, luân lý của con người cùng các quan hệ nhân đạo, văn minh giữa người với người. Từ những năm 1990, Quốc tế XHCN không ít lần "tuyên bố các nguyên tắc", ví dụ về toàn cầu hóa, CNXH thị trường, CNXH sinh thái...; và trình bày nhiều giá trị cơ bản của CNXH như dân chủ, tự trị, nhân quyền, bác ái, phúc lợi, công bằng,... nhất là hai giá trị bình đẳng và hiệu quả. Tư tưởng “con đường thứ ba“ cũng theo đuổi quan niệm tương tự.
- Về tư tưởng kinh tế: Những người XHCNDC truyền thống và tư tưởng “ con đường thứ ba “đều phủ nhận quan điểm mác-xít về các quy luật phổ biến trong CNTB; phủ nhận sự tập trung hóa trong nông nghiệp; còn theo họ, trong công nghiệp và thương nghiệp, quá trình tập trung hóa diễn ra chậm chạp, gián tiếp qua nhiều khâu trung gian với nhiều nhịp cầu nhỏ. Họ thừa nhận nhiều loại sở hữu, trong đó nổi lên hai hình thức: tiểu chủ tự do và sở hữu cổ phần.
- Về cơ cấu xã hội: Theo những người XHCNDC và cả “con đường thứ ba” thì ở phương Tây đã diễn ra sự vượt qua cơ cấu xã hội - giai cấp của thế kỷ XIX, và đã chuyển sang cơ cấu xã hội - nghề nghiệp, với sự đa dạng, đan xen của các nhóm xã hội - dân tộc, tôn giáo, giới, thế hệ và các nhóm lợi ích.
Rõ ràng, một cách chung nhất, "Con đường thứ ba" thực chất là nhằm vào giữa quan điểm chính trị "tả" và "hữu" trong nội bộ xã hội TBCN phương Tây. Mục tiêu chính trị của "con đường thứ ba" do các đảng dân chủ - xã hội Tây Âu đưa ra là tìm kiếm một con đường trung gian giữa chủ nghĩa tự do mới và "Nhà nước phúc lợi chung" của các đảng dân chủ - xã hội trong nội bộ chế độ xã hội tư bản. 

1 nhận xét: