Thứ Tư, 16 tháng 10, 2019

NGUYÊN NHÂN KHỦNG HOẢNG CỦA CHỦ NGHĨA XÃ HỘI HIỆN THỰC

Lịch sử xã hội loài người không đi theo con đường thẳng và phong trào cách mạng cũng không tránh khỏi sai lầm, thất bại hay những thời kỳ thoái trào. Ngay nền Cộng hòa Pháp cũng phải làm đi làm lại và chỉ đến nền cộng hòa thứ năm, thể chế TBCN ở Pháp mới cơ bản được khẳng định.
         Hệ thống các nước XHCN từ khi ra đời cũng có những thăng trầm khó tránh khỏi. Bắt đầu từ cuối những năm 60 của thế kỷ XX, Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu rơi vào thời kỳ khủng hoảng. Từ tháng 4 -1989 trở đi, sự đổ vỡ diễn ra liên tiếp ở các nước Đông Âu, đến tháng 9 -1991, chế độ XHCN ở Liên Xô và 6 nước Đông Âu đã bị sụp đổ hoàn toàn. Sự đổ vỡ cũng diễn ra ở Mông Cổ, Anbani và Nam Tư.
Nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng và sụp đổ có nhiều, song như Cương lĩnh năm 1991 của Đảng ta chỉ rõ: “Do duy trì quá lâu những khuyết tật của mô hình cũ của chủ nghĩa xã hội, chậm trễ trong cách mạng khoa học và công nghệ...” đã gây tình trạng trì trệ kéo dài và khủng hoảng. Ngoài ra, nguyên nhân chủ yếu và trực tiếp dẫn đến sự sụp đổ, đó là, trong cải tổ, Đảng Cộng sản Liên Xô đã mắc những sai lầm rất nghiêm trọng về đường lối chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đó là đường lối hữu khuynh, cơ hội và xét lại, thể hiện trước hết ở những người lãnh đạo cao nhất. Cải tổ ở Liên Xô bắt đầu từ 1986 và kết thúc trong sự đổ vỡ hoàn toàn năm 1991. Đường lối cải tổ trượt dài từ cơ hội hữu khuynh đến xét lại, từ bỏ hoàn toàn chủ nghĩa Mác - Lênin, từ bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Từ chủ trương ban đầu là cải tổ kinh tế chuyển nhanh sang cải tổ về chính trị một cách vô nguyên tắc đã tạo điều kiện cho sự phát triển làn sóng “công khai”, “dân chủ”, “không có vùng cấm”, phủ định mọi thành tựu của CNXH, gây tâm lý hoang mang cực độ trong tư tưởng xã hội, phá vỡ niềm tin của quần chúng đối với CNXH. Ngoài ra, các thế lực quốc tế lợi dụng những sai lầm, khó khăn do khủng hoảng đẩy mạnh cuộc phản kích quyết liệt nhằm xóa bỏ các nước XHCN, thực hiện “diễn biến hòa bình” trong nội bộ Liên Xô và các nước Đông Âu.

2 nhận xét: