Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2020

KINH TẾ TRI THỨC ĐÒI HỎI ĐẢNG PHẢI ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO

Kinh tế tri thức là một khái niệm được OECD nêu lên trong báo cáo của mình vào năm 1996. Kinh tế tri thức được hiểu là “kinh tế lấy tri thức làm cơ sở”, đồng thời dựa vào tri thức để tiến hành sản xuất và phân phối.. Kinh tế tri thức không chỉ làm cho tri thức trở thành yếu tố cơ bản tạo nên sức mạnh và sức cạnh tranh của tổ chức, mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến môi trường hoạt động của tổ chức, nhất là sự thay đổi về cơ cấu ngành nghề và cơ cấu giai tầng xã hội theo hướng lao động có tri thức ngày càng tăng lên. Trong tác phẩm “Xã hội hậu chủ nghĩa tư bản”, Peter F.Drucker cho rằng: “chúng ta đang bước vào một xã hội tri thức, xã hội tri thức là một xã hội lấy tri thức làm cốt lõi, nguồn lực trí tuệ đã trở thành nguồn lực quan trọng nhất của tổ chức, người có tri thức trở thành bộ phận chủ lưu trong xã hội”.
Bối cảnh lãnh đạo và cầm quyền của Đảng Cộng sản ngày nay xuất hiện nhiều cái mới, chẳng hạn “kinh tế tri thức” và “thời đại thay đổi không ngừng” dưới sự tác động của toàn cầu hóa, dân chủ hóa, thông tin hóa và dân chủ hóa. Đối với Đảng Cộng sản cầm quyền cũng như các tổ chức khác, kinh tế tri thức đặt ra những yêu cầu mới về mục tiêu chiến lược, chức năng, hình thức tổ chức và phương thức lãnh đạo, trong đó, nổi bật là hai vấn đề: (i) đổi mới quản lý tri thức trong nội bộ tổ chức Đảng như thế nào để nâng cao trình độ trí tuệ của Đảng; (ii) đổi mới tổ chức và phương thức lãnh đạo của Đảng như thế nào để phát huy trí tuệ của xã hội vào hoạch định cương lĩnh, đường lối của Đảng cũng như thúc đẩy năng lực phát triển tri thức của toàn xã hội. Có thể nói, phát triển lý luận xây dựng Đảng theo hướng phát huy tốt dân chủ trong Đảng, xây dựng tổ chức Đảng theo mô hình tổ chức Đảng học tập(4) là những vấn đề không thể không quan tâm hiện nay.
Cùng với kinh tế tri thức là một “thời đại thay đổi nhanh chóng” dưới sự tác động đan xen của nhiều nhân tố như thông tin hóa, toàn cầu hóa và dân chủ hóa. Xu thế và đặc trưng của sự thay đổi trong “thời đại thay đổi” chính là sự thay đổi về thể chế, thiết chế cũng như nhấn mạnh sự thay đổi, đổi mới liên tục và không ngừng(5). “Thời đại thay đổi” đặt ra yêu cầu cao hơn đối với lãnh đạo và quản lý sự thay đổi. Đối với Đảng Cộng sản cầm quyền, “thời đại thay đổi” đặt ra yêu cầu cao hơn đối với chức năng “lãnh đạo sự thay đổi” của Đảng, đặt ra yêu cầu xây dựng Đảng cầm quyền theo mô hình Đảng cầm quyền đổi mới (đổi mới về tư duy, lý luận, đổi mới phương thức cầm quyền, đổi mới mô thức hành vi, đổi mới thể chế, đổi mới tác phong và lề lối làm việc...). Vì lẽ đó, làm thế nào để tăng cường năng lực đổi mới của Đảng, làm thế nào để xây dựng tổ chức Đảng theo mô hình tổ chức Đảng đổi mới, lấy đổi mới của tổ chức Đảng thúc đẩy đổi mới của hệ thống chính trị và đổi mới xã hội, làm thế nào để tăng cường năng lực lãnh đạo sự thay đổi của Đảng là những vấn đề đặt ra trong việc bổ sung, phát triển học thuyết Mác - Lênin về Đảng và xây dựng Đảng hiện nay.

2 nhận xét:

  1. Đảng ta đã thường xuyên chú trọng đổi mới để Đảng ta thật sự vững mạnh, lãnh đạo đất nước phát triển mạnh mẽ

    Trả lờiXóa