Thứ Hai, 20 tháng 7, 2020

MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM TRONG THỰC HIỆN CÔNG TÁC CÁN BỘ HIỆN NAY

Một là, tiếp tục thực hiện nghiêm các quy chế, quy định của Đảng, Nhà nước về cán bộ và công tác cán bộ như: Quy định số 89-QĐ/TW ngày 4/8/2017 của Bộ Chính trị khóa XII về “Khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”; Quy định số 90-QĐ/TW ngày 4/8/2017 về “Tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý”; Quy định số 105-QĐ/TW ngày 19/12/2017 về “Phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử”; Quy định số 109-QĐ/TW ngày 3/1/2018, của Ban Bí thư về “Công tác kiểm tra của tổ chức đảng đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên”; Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Bộ Chính trị về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” và Kết luận số 55-KL/TW ngày 15/8/2019 của Ban Bí thư về việc “Tiếp tục chấn chỉnh công tác cán bộ, chuẩn bị tốt nhân sự đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng”… để chuẩn bị thật tốt đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng theo tinh thần Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị và bài viết của đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về lựa chọn nhân sự cho cấp ủy khóa mới.
Hai là, trong lựa chọn và giới thiệu cán bộ vào diện nguồn quy hoạch, nguồn nhân sự, phải chú trọng đến những cán bộ, nhất là cán bộ trẻ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích chung; những cán bộ thanh liêm, chính trực, nêu gương và quỵ tụ được đồng chí, đồng nghiệp và quần chúng, để xây dựng và tạo nên một tổ chức thống nhất, đoàn kết, đồng lòng. Đi liền cùng đó, coi sự giám sát của nhân dân về tinh thần phấn đấu, rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống, đức liêm chính, sự gương mẫu của đội ngũ cán bộ nói chung, của những cán bộ trẻ trong nguồn quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và những cán bộ là nguồn nhân sự cho cấp ủy khóa mới nói riêng là kênh thông tin quan trọng để giới thiệu. Thông qua đó, một mặt, lựa chọn được đúng cán bộ, để vừa không bỏ sót người có đức, có tài, vừa không để lọt vào cấp ủy khóa mới, vào các cơ quan lãnh đạo các cấp và Ban Chấp hành Trung ương những người có biểu hiện vi phạm, suy thoái; mặt khác, ngăn chặn những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, đầu cơ chính trị, lợi ích nhóm, chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy phiếu bầu...
Ba là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiên quyết xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém, sơ hở trong công tác cán bộ; đẩy mạnh phân công, phân cấp, xác định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu và các cá nhân liên quan đến công tác cán bộ, chuẩn bị nhân sự cho cấp ủy. Đồng thời, đẩy mạnh sự phối hợp giữa các cơ quan truyền thông, báo chí, coi những ý kiến phản ánh từ các cơ quan truyền thông là một trong những kênh thông tin quan trọng để "có con mắt tinh đời” trong việc đánh giá, lựa chọn để giới thiệu/chọn cho được những “anh hùng đoán giữa trần ai mới tài”, góp phần chọn được những cán bộ có “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”; để phòng và tránh được các hiện tượng "nhìn gà hoá cuốc”, “thấy đỏ tưởng là chín”, "thấy cái mã bên ngoài, nó che đậy cái sơ sài bên trong” như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã lưu ý.
Bốn là, để được cấp ủy lựa chọn, được nhân dân tin yêu và tín nhiệm, mỗi cán bộ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn, trong cuộc sống đời thường cần phải nỗ lực hết mình về mọi mặt; phải thấm nhuần nguyên tắc hành động: "Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân, thì dân mới yêu ta, kính ta"; phải gần dân, hiểu dân, trọng dân, tin dân, học dân, dựa vào dân và thường xuyên đối thoại, lắng nghe, học hỏi, tiếp thu ý kiến, giải quyết các khó khăn, vướng mắc và yêu cầu chính đáng của nhân dân để củng cố và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân. Mỗi người phải nêu cao đức liêm chính, gương mẫu đi đầu, nhất là tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nghiêm túc tiếp thu, sửa chữa những góp ý phê bình của nhân dân; phải khuyến khích nhân dân thực hiện vai trò giám sát của mình một cách tự nguyện, tự giác để được nhân dân tin yêu và "tâm phục, khẩu phục"../.

2 nhận xét: