Thứ Sáu, 9 tháng 10, 2020

NHỮNG SÁNG TẠO LÝ LUẬN CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỀ ĐẢNG CỘNG SẢN VÀ CÔNG TÁC XÂY DỰNG ĐẢNG

- Nhờ có sự sáng tạo của Hồ Chí Minh về điều kiện ra đời của đảng cộng sản ở các nước thuộc địa như Việt Nam đã dẫn đến sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930. Luận điểm chung của chủ nghĩa Mác - Lênin là: đảng cộng sản ra đời là sự kết hợp giữa phong trào công nhân và chủ nghĩa Mác - Lênin. Trong điều kiện Việt Nam, giai cấp công nhân còn nhỏ bé, phong trào yêu nước đang tập hợp được tất cả các giai cấp, tầng lớp nhân dân tham gia chống Pháp, để thành lập được đảng cộng sản phải bắt đầu từ sự truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào yêu nước, vào giai cấp công nhân, giác ngộ họ, hình thành các tổ chức cộng sản. Sau này, Người tổng kết: Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là “sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin, phong trào công nhân và phong trào yêu nước”.

- Từ đặc điểm, hoàn cảnh ra đời và nhiệm vụ hàng đầu đặt ra đối với Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt tên Đảng là Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng Lao động Việt Nam, khẳng định là “Đảng của giai cấp công nhân, đồng thời là đảng của dân tộc Việt Nam”; “Đảng ta là con nòi của dân tộc”. Mục đích của Đảng được Người khẳng định gồm 8 chữ là: “Đoàn kết toàn dân, phụng sự Tổ quốc”. 

- Tư tưởng về các nguyên tắc xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam của Hồ Chí Minh là sự vận dụng sáng tạo các nguyên tắc xây dựng đảng kiểu mới của của V.I. Lênin. Người nêu rõ 5 nguyên tắc xây dựng Đảng là: (1) Tập trung dân chủ. (2) Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. (3) Tự phê bình và phê bình. (4) Kỷ luật nghiêm minh và tự giác. (5) Đoàn kết thống nhất trong Đảng. Đặc biệt, Người rất đề cao xây dựng Đảng về đạo đức, xác định mục tiêu xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, để Đảng thực sự “là đạo đức, là văn minh”.

- Luận điểm về tự chỉnh đốn, tự đổi mới của Đảng là một điểm sáng tạo mới, thống nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Xuất phát từ điều kiện của một xã hội quá độ từ sản xuất nhỏ, lạc hậu đi lên, Người chỉ rõ: Đảng ta như cơ thể sống, tồn tại trong xã hội, không thể không chịu ảnh hưởng của xã hội, nhất là những hạn chế, thói hư tật xấu trong xã hội. Đảng phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, Đảng phải “là đạo đức, là văn minh” mới lãnh đạo được nhân dân. Tư tưởng Hồ Chí Minh về dựa vào dân để xây dựng Đảng khẳng định mối quan hệ “máu thịt” giữa Đảng với nhân dân, với dân tộc và niềm tin của Người vào nhân dân trong xây dựng Đảng.

Học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng và phát triển tư tưởng của Người trong mỗi giai đoạn cách mạng là công việc hết sức cần thiết. Dựa trên những nguyên lý lý luận, quan điểm cơ bản, cốt lõi, phương pháp luận khoa học Hồ Chí Minh để vận dụng, phát triển một cách sáng tạo trong giải quyết các vấn đề đặt ra của mỗi giai đoạn cách mạng, không đơn giản, giáo điều, máy móc hay chủ quan, duy ý chí, vô nguyên tắc là điều kiện của thành công trong học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh hiện nay./.

2 nhận xét:

  1. Tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mãi mãi toả sáng cho mọi thế hệ học tập và làm theo

    Trả lờiXóa
  2. Chúng ta phải tích cực học tập, rèn luyện theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

    Trả lờiXóa