Thứ Ba, 8 tháng 12, 2020

CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH VỀ KẾT HỢP QUỐC PHÒNG VỚI KINH TẾ, KINH TẾ VỚI QUỐC PHÒNG

“Ngụ binh ư nông” là chính sách đưa quân sĩ vào tham gia lao động sản xuất nông nghiệp đã được nhiều triều đại phong kiến nước ta áp dụng và đã cho thấy tính hiệu quả trong công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Tiếp nối truyền thống quý báu ấy, Quân đội nhân dân Việt Nam từ khi ra đời đã được giao 3 chức năng, trong đó có chức năng "đội quân sản xuất", tham gia xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng. Đây luôn là chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta.

Ngày 9-2-2007, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X ra Nghị quyết số 10-NQ/TW, trong đó có nêu: “Chuyển các doanh nghiệp chuyên làm kinh tế đơn thuần thuộc các cơ quan đảng, lực lượng vũ trang, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội cho cơ quan nhà nước quản lý, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp”. Như vậy là theo nghị quyết nói trên, chỉ “chuyển các doanh nghiệp chuyên làm kinh tế đơn thuần...”, nhưng các đối tượng chống phá cố tình xuyên tạc để xã hội hiểu sai rằng quân đội sẽ không tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế nữa.

Sau đó chỉ hơn 9 tháng, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 105-QĐ/TW ngày 20-11-2007 “Về tổ chức đảng trong Quân đội nhân dân Việt Nam” đã nêu rõ một trong những chức năng của Quân ủy Trung ương là “Lãnh đạo quân đội lao động, sản xuất, làm kinh tế theo đúng chức năng, nhiệm vụ, đúng đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đạt năng suất, chất lượng cao”. Văn bản này cũng nêu rõ: “Đảng ủy đơn vị sản xuất quốc phòng và làm kinh tế có nhiệm vụ: Lãnh đạo đơn vị thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ; quán triệt và thực hiện quan điểm kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh, quốc phòng, an ninh với kinh tế, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trong mọi tình huống theo đúng đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của quân đội; sản xuất, kinh doanh phát triển, đạt hiệu quả kinh tế-xã hội cao; góp phần cùng các doanh nghiệp nhà nước giữ vị trí then chốt trong nền kinh tế quốc dân”; “Cấp ủy đảng trong các doanh nghiệp của quân đội liên doanh với nước ngoài có nhiệm vụ lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh đúng pháp luật, chính sách của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, bảo đảm lợi ích hợp pháp của các bên trong doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi, nhân phẩm người lao động”.

Tại Quy định số 59-QĐ/TW của Bộ Chính trị ngày 22-12-2016 quy định về tổ chức Đảng trong Quân đội nhân dân Việt Nam cũng quy định rõ: Quân ủy Trung ương có nhiệm vụ "Lãnh đạo quân đội lao động sản xuất, làm kinh tế đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao đúng đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước". Văn bản cũng quy định: "Đảng ủy đơn vị sản xuất quốc phòng và làm kinh tế có nhiệm vụ: Lãnh đạo đơn vị thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ; quán triệt và thực hiện quan điểm kết hợp kinh tế-xã hội với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với kinh tế-xã hội tạo thế quân sự, quốc phòng trong khu vực phòng thủ ở địa phương, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trong mọi tình huống; sản xuất, kinh doanh phát triển, đạt hiệu quả kinh tế-xã hội cao theo đúng đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của quân đội; góp phần cùng các doanh nghiệp nhà nước giữ vị trí chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân".

Như vậy, Đảng ta luôn coi trọng chức năng "đội quân sản xuất" của quân đội và luôn nhất quán chủ trương quân đội tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp quốc phòng. Trong rất nhiều văn kiện của Đảng, đặc biệt là trong các văn kiện đại hội toàn quốc của Đảng, vấn đề kết hợp hiệu quả giữa phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng-an ninh; xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu kinh tế-quốc phòng; phát triển công nghiệp quốc phòng... thường xuyên được nhắc đến cả trong phần đánh giá kết quả đạt được và trong phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ. 

Điều 68 Hiến pháp cũng quy định rõ: “Nhà nước phát huy tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân, giáo dục quốc phòng và an ninh cho toàn dân; xây dựng công nghiệp quốc phòng, an ninh; bảo đảm trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân, kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, an ninh...”. Thể chế hóa quan điểm của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp, nhiều văn bản pháp luật đã có những quy định về xây dựng nền công nghiệp quốc phòng; kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng.

2 nhận xét:

  1. Trong thời bình kết hợp kinh tế với quốc phòng là rất hợp lý

    Trả lờiXóa
  2. Đảng ta luôn coi trọng chức năng "đội quân sản xuất" của quân đội và luôn nhất quán chủ trương quân đội tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp quốc phòng

    Trả lờiXóa