Thứ Sáu, 6 tháng 10, 2023

PHẢI CHĂNG ĐỊA VỊ PHỤ THUỘC CỦA GIAI CẤP CÔNG NHÂN ĐỐI VỚI GIAI CẤP TƯ SẢN TRONG THẾ GIỚI HIỆN ĐẠI ĐÃ THAY ĐỔI

Khi trình bày về bản chất của tích lũy tư bản, nói về địa vị phụ thuộc của giai cấp công nhân đối với giai cấp tư sản, C.Mác đã chỉ rõ người công nhân phụ thuộc vào nhà tư bản trong cả tiêu dùng sản xuất và tiêu dùng cá nhân: “Trong tiêu dùng sản xuất, người công nhân hoạt động với tư cách là một động lực của tư bản và thuộc về nhà tư bản; trong tiêu dùng cá nhân, anh ta thuộc về bản thân mình và thực hiện những chức năng sinh hoạt ở bên ngoài quá trình sản xuất. Kết quả của tiêu dùng thứ nhất là sự sinh tồn của nhà tư bản, kết quả của tiêu dùng thứ hai là sự sinh tồn của bản thân người công nhân”. Phân tích sâu hơn về tiêu dùng cá nhân của người công nhân, C.Mác đi đến kết luận: “người công nhân dùng các tư liệu sinh hoạt chỉ là để giữ cho sức lao động của mình “chạy” được mà thôi,cũng như máy hơi nước ăn than và nước, như bánh xe ăn dầu mỡ. Khi đó, tư liệu tiêu dùng của người công nhân là tư liệu tiêu dùng của một trong những tư liệu sản xuất, sự tiêu dùng cá nhân của anh ta cũng trực tiếp là tiêu dùng sản xuất”(3). C.Mác cũng khẳng định địa vị phụ thuộc của giai cấp công nhân đối với giai cấp các nhà tư bản: “vậy, quá trình sản xuất TBCN, xét trong một liên hệ chung, hay coi như quá trình tái sản xuất, thì không chỉ sản xuất ra hàng hóa, không phải chỉ sản xuất ra giá trị thặng dư, mà còn sản xuất và tái sản xuất ra bản thân quan hệ TBCN - một bên nhà tư bản và bên kia là công nhân làm thuê”(4). Công nhân hoàn toàn lệ thuộc vào giai cấp tư sản cả ở trong và ngoài sản xuất.

Trong thế giới hiện đại, dưới sự tác động của CMCN 4.0 đang phát triển mạnh mẽ, sự chi phối của một bộ phận công nhân tri thức, thậm chí một số ít công nhân 4.0 có thể mang tính quyết định đến sự thành bại của một số tập đoàn công nghệ cao tại các nước tư bản phát triển. Đội ngũ này có cơ sở để gây sức ép đến giới chủ cả trong sản xuất và tiêu dùng, buộc giới chủ phải nhượng bộ trên nhiều phương diện. Dựa vào những hiện tượng đang diễn ra đó, một số người đã tìm cách tấn công, phản bác lý luận tích lũy của C.Mác dưới nhiều hình thức khác nhau.   

Không thể phủ nhận hiện tượng công nhân công nghệ cao ở một số tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới gây sức ép với giới chủ trong bối cảnh của nền kinh tế thị trường hiện đại dưới sự tác động trực tiếp của cuộc CMCN 4.0. Bởi lẽ, CMCN 4.0 được hình thành trên nền tảng cải tiến của cuộc cách mạng số, với những công nghệ mới như: Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), mạng xã hội, điện toán đám mây, di động và phân tích dữ liệu lớn (SMAC)... đã làm thay đổi cách thức kinh doanh truyền thống, chuyển từ trạng thái ảo sang sát đúng với trạng thái thực... Điều này khiến cho sự tương tác giữa chủ và thợ thay đổi: giới chủ phải lắng nghe ý kiến từ người làm thuê, bới chính họ mới là người làm chủ tri thức, công nghệ. Nhưng điều này cũng không phủ nhận được luận điểm mà C.Mác đã nêu trong lý luận tích lũy tư bản về địa vị phụ thuộc của giai cấp công nhân đối với giai cấp tư sản đến nay vẫn không hề thay đổi về bản chất. Lập luận ở đây là:

Thứ nhất, giả định những đòi hỏi của công nhân được chấp thuận sẽ có hai tình huống: Một là, những đề xuất của họ sẽ mang lại lợi ích cho tập đoàn khi đó cả chủ và thợ đều có lợi. Hai là, những đề xuất của họ chỉ có lợi cho công nhân, tất nhiên nhà tư bản phải cân nhắc về việc phân chia lại m, nhưng điều này đã được C.Mác khẳng định: sản xuất giá trị thặng dư là quy luật kinh tế tuyệt đối của CNTB.

Thứ hai, những đòi hỏi của công nhân không được chấp nhận, khi đó họ sẽ bỏ việc. Trường hợp này cũng có hai tình huống: Một là, khi bỏ việc ở tập đoàn này họ sẽ tiếp tục làm việc cho tập đoàn khác và như vậy họ chỉ đổi chủ mà thôi. Hai là, họ tự lập công ty, tức là tham gia vào giới chủ. Khi trở thành người chủ, tất yếu phải có lao động làm thuê, bản chất của mối quan hệ vẫn không thay đổi - trường hợp này rất hiếm. Bởi vì, khi phân tích điều kiện thứ hai để sức lao động trở thành hàng hóa C.Mác đã chỉ ra: “...người chủ sức lao động phải không còn có khả năng bán những hàng hóa trong đó lao động của anh ta được vật hóa”(5) nghĩa là chưa đủ các điều kiện sản xuất cần thiết để sức lao động của anh ta được vật hóa.

Thứ ba, hiện tượng trên không phải là phổ biến, chủ yếu chỉ xuất hiện trong các tập đoàn công nghệ cao, và diễn ra ở một số nước tư bản phát triển. Tóm lại, không thể nhìn vào một số hiện tượng để rút ra những kết luận không thuyết phục.

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét