Thứ Tư, 18 tháng 4, 2018

LUẬN ĐIỂM THỂ HIỆN BÌNH MỚI NHƯNG NỘI DUNG CŨ

Đảng cộng sản Việt Nam luôn luôn trung thành, kiên định lãnh đạo nhân dân ta thực hiện mục tiêu “Độc lập dân tộc và xã hội chủ nghĩa”. Quá trình đó, các thế lực thù địch chưa bao giờ từ bỏ âm mưu chống lại Đảng, vô hiệu hóa vai trò lãnh đạo của Đảng. Chúng luôn tìm mọi cách tuyên truyền, kích động cơ chế “đa nguyên chính trị” và “đa đảng đối lập” với mục đích cổ súy cho các lực lượng chính trị đối lập trỗi dậy, từng bước tranh quyền lãnh đạo của Đảng đối với xã hội, làm chuyển hướng con đường xã hội chủ nghĩa ở nước ta theo quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản. Âm mưu đó của các thế lực thù địch đến nay luôn luôn có những biến hóa phức tạp và gắn với thủ đoạn tinh vi trong chiến lược “diễn biến hòa bình” mà trọng điểm tập trung phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt nam với nhiều hình thức rất trắng trợn như vu khống, nói xấu, hạ bệ nền tảng tư tưởng của Đảng để tạo ra phân tâm trong dân chúng, chia rẽ mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với dân. Trong thời gian vừa qua, các thế lực thù địch ở nước ngoài và phần tử cơ hội chính trị ở trong nước đang tung hô luận điểm rằng: “Ở Việt Nam do một đảng cầm quyền là nguyên nhân sinh ra tệ tham ô, tham nhũng”.
Đây là luận điểm thể hiện ruột cũ bình mới, tiếp nối sự thất bại của các luận điểm mà chúng từng cao hứng cho rằng: “Ở Việt Nam do có một Đảng cầm quyền nên không có dân chủ, đất nước còn nghèo khổ và không giàu mạnh, phát triển được...”. Mẫu số chung, mục đích chính trị sâu sa của những luận điểm thù địch là đánh đồng hiện tượng tham ô, tham nhũng của một số ít cán bộ, đảng viên mà phủ nhận vai trò độc tôn lãnh đạo của Đảng ta để nhằm lừa bịp, kích động, gây mơ hồ ảo tưởng, nhận thức sai lệch của quần chúng nhân dân lao động về Đảng. Mục đích là dọn đường cho một lực lượng chính trị lãnh đạo khác thay thế sự lãnh đạo của Đảng tiến tới đổi màu chế độ xã hội theo một kịch bản đã định. Sự tinh vi của mỗi luận điểm phản động nêu ra đều dựa vào những hiện tượng không phải là bản chất của chế độ ta, bới tìm những hạn chế nhất thời để vu khống, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chúng ta phải thấy rằng, hiện tượng tham ô, tham nhũng trong một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức có quyền ở nước ta là một tổn thất, ngoài sự mong muốn của Đảng. Đây là hiện tượng có cả nguyên nhân khách quan là nước ta với điều kiện kinh tế - xã hội phát triển chưa cao, công tác quản lý của Nhà nước về mọi mặt đời sống xã hội còn có những hạn chế nhất định nên là kẽ hở cho tệ tham ô, tham nhũng nảy sinh và phát triển. Qua hơn 30 năm đổi mới, mặc dù chúng ta đã đạt được những thành tựu đáng kể nhưng vẫn còn có những bất cập, mức sống của nhân dân chưa cao và nạn tham nhũng có điều kiện nảy sinh trong nhiều lĩnh vực, nhiều ngành, nhiều cấp. Song nguyên nhân chủ quan có ý nghĩa quyết định nảy sinh hiện tượng tham ô, tham nhũng ở một một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức có quyền do thiếu tu dưỡng, rèn luyện về phẩm chất đạo đức cách mạng, còn mang nặng lối sống thực dụng và chủ nghĩa cá nhân. Họ không giữ được đạo đức của người cách mạng “cần, kiệm, liêm, chính” thì tất yếu sẽ nảy sinh hiện tượng tham ô, tham nhũng chứ không phải nguyên nhân do Đảng độc quyền lãnh đạo xã hội tạo.
Tính chất sai trái của luận điểm cho rằng: “Ở Việt Nam do một đảng cầm quyền là nguyên nhân sinh ra tệ tham ô, tham nhũng” thể hiện ở cả góc độ lý luận và thực tiễn. Về lý luận cho thấy, tham nhũng luôn luôn gắn với quyền lực và lợi ích cá nhân, là một hiện tượng xã hội gắn với sự xuất hiện chế độ tư hữu, sự hình thành giai cấp và sự ra đời, phát triển của bộ máy nhà nước, quyền lực nhà nước và các quyền lực công khác. Tham nhũng tồn tại ở mọi chế độ với những mức độ khác nhau, phụ thuộc vào bản chất và trình độ quản lý của nhà nước đó. Khi nhà nước và quyền lực chính trị còn tồn tại thì còn có điều kiện để nảy sinh ra tham nhũng. Cùng với sự phát triển của các hình thái nhà nước, đặc biệt là trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, các quan hệ chính trị - kinh tế tạo ra những tiền đề khách quan quan trọng làm cho tham nhũng phát triển. Lợi ích là yếu tố chủ quan dẫn đến tham nhũng. Khi còn điều kiện để lợi ích kết hợp với sự lạm quyền của những người có chức vụ, quyền hạn thì vẫn còn sinh ra tham nhũng. Nhận thức như vậy không đồng nghĩa với việc coi tham nhũng trong bộ máy nhà nước là điều đương nhiên phải chấp nhận mà để chúng ta có ý thức rõ ràng về nguy cơ tiềm tàng của nó, để rồi có các giải pháp “ngăn chặn và từng bước đẩy lùi” tệ nạn cộng sinh này./. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét