Thứ Ba, 5 tháng 12, 2023

ĐẶC ĐIỂM CHÍNH SÁCH DÂN TỘC Ở VIỆT NAM?

Chính sách dân tộc ở Việt Nam hiện nay mang những đặc điểm cơ bản sau:

Chính sách dân tộc  nước ta mang tính tổng hợp, liên ngành, có nội dung toàn diện và cụ thể trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Chính sách dân tộc ở nước ta phản ánh các quan hệ dân tộc đa dạng, nhằm để giải quyết vấn đề dân tộc trên tất cả các lĩnh vực, có sự tham gia của toàn Đảng, toàn dân và hệ thống chính trị các cấp, do đó nó có tính tổng hợp, liên ngành, vừa toàn diện vừa cụ thể từ quá trình hoạch định đến tổ chức thực thi trên thực tế.

Chính sách dân tộc ở  nước ta tác động và ảnh hưởng lớn đến mọi mặt đời sống cộng đồng các dân tộc Việt Nam,nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số. Chính sách dân tộc tác động trực tiếp, toàn diện đến cộng đồng các dân tộc Việt Nam bao gồm cả các tộc người thiểu số và tộc người đa số, cả tộc người trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài, cả những người mới nhập quốc tịch Việt Nam hoặc mang hai quốc tịch, cả cộng đồng dân tộc-tộc người và cộng đồng dân tộc-quốc gia gồm các giai tầng, tôn giáo, giới, thế hệ khác nhau.

 Chính sách  dân tộc đúng đắn sẽ tạo động lực cách mạng to lớn, khơi dậy và phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, giải quyết vấn đề lực lượng cách mạng; góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội; tạo điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội ở các dân tộc, vùng dân tộc, vùng miền núi và cả nước; đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc để chống phá nước ta. Ngược lại, nếu chính sách dân tộc không đúng đắn, không phù hợp gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống mọi mặt của các tộc người, quan hệ tộc người, đến sự phát triển đất nước, thậm chí gây ra khủng hoảng chính trị - xã hội, đẩy đất nước vào xung đột, phá vỡ sự thống nhất quốc gia.

Chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước ta quy định, chi phối điều chỉnh hành vi, hoạt động của toàn bộ hệ thống chính trị trong giải quyết vấn đề dân tộc ở nước ta. Thực hiện chính sách dân tộc ở nước ta là là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, của đồng bào tất cả các tộc người dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước. Chính sách dân tộc là cơ sở để các cấp, các ngành cần quán triệt sâu sắc, vận dụng linh hoạt và sáng tạo trong thực hiện các nhiệm vụ phù hợp với đặc điểm của tộc người, vùng miền.

Chính sách dân tộc gắn với chính sách tôn giáo, chính sách miền núi. Chính sách dân tộc hướng vào giải quyết vấn đề dân tộc, nhưng có nội dung toàn diện, đề cập đến mọi lĩnh vực của đời sống dân tộc gắn với chính sách tôn giáo và thực tiễn của mỗi địa phương, mỗi dân tộc. Chính sách dân tộc không chỉ là chính sách dành riêng cho đồng bào mỗi dân tộc, mà là cả với vùng có nhiều dân tộc sinh sống, trong đó có dân tộc đa số. Chính sách dân tộc được đặt trong mối quan hệ với chiến lược phát triển miền núi của cả quốc gia, đảm bảo tính thống nhất của cả nước với sự phát triển đa dạnh của địa phương, quan hệ giữa miền núi và miền xuôi, giữa thành thị và nông thôn. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét