Thứ Ba, 9 tháng 1, 2024

NHỮNG BÀI HỌC KINH NGHIỆM TRONG GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ DÂN TỘC CỦA CÁC TRIỀU ĐẠI PHONG KIẾN VIỆT NAM LÀ GÌ?

Nhận thức đúng vị trí, vai trò của vấn đề dân tộc, các triều đại phong kiến luôn xác định vùng núi, vùng biên giới là “phên dậu”, có vị trí đặc biệt quan trọng trong bảo vệ chủ quyền quốc gia, vùng đồng bào dân tộc, vùng biên giới là “trọng trấn”, là “bình phòng phên chắn của trung đô”. Do đó, chính sách dân tộc được xây dựng, thực thi một cách nhất quán đối với từng vương triều.

Đặt lợi ích quốc gia lên trên hết trong thực hiện chính sách dân tộc. Tư tưởng nhất quán trong chính sách dân tộc của các triều đại phong kiến là thực hiện “mềm dẻo phương xa” hay “nhu viễn” nhằm củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, khai thác vị trí, tầm quan trọng của các dân tộc trong việc bảo vệ đất nước. Để thực hiện mục đích đó, các nhà nước phong kiến vừa sử dụng biện pháp quân sự cứng rắn nhằm hàng phục, thu phục các tù trưởng dân tộc thiểu số, vừa ban hành các chính sách vỗ về, lôi kéo, ràng buộc, khoan dung dân chúng để ổn định tình hình, củng cố sự thống nhất quốc gia, đập tan mọi âm mưu, hành động ly khai.   

Xây dựng và thực hiện chính sách dân tộc mềm dẻo, linh hoạt, phù hợp với điều kiện lịch sử, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Các triều đại phong kiến đã coi trọng việc thực hiện chính sách ràng buộc, thu phục các tù trưởng dân tộc thiểu số, phủ dụ dân chúng gắn với điều kiện lịch sử cụ thể, đặc điểm từng vùng, từng dân tộc.  

Giải quyết vấn đề dân tộc gắn liền với đặc thù dân tộc. Đây là vấn đề có ý nghĩa to lớn. Sự phát triển của chính sách dân tộc từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIX cho thấy không thể can thiệp một cách thô bạo đối với các dân tộc, tôn trong phong tục, tập quán, ngôn ngữ, tâm lý... của các dân tộc thiểu số. Mặt khác, giải quyết vấn đề dân tộc không thể tách rời tổng thể các chính sách về kinh tế - xã hội. Thực tiễn lịch sử khẳng định: Muốn thực hiện chính sách dân tộc đúng không thể thực hiện một cách đơn tuyến, cũng không thể là hình thức “ban phát”, “ban ơn”, quan tâm hơn nữa đến phát triển kinh tế - xã hội, chính sách thuế khoá nặng về bóc lột và khai thác, đồng hóa tất yếu dẫn đến sự bất bình của nhân dân.  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét