Thứ Ba, 2 tháng 1, 2024

QUAN ĐIỂM CƠ BẢN CỦA C.MÁC VÀ PH.ĂNGGHEN VỀ VẤN ĐỀ DÂN TỘC VÀ GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ DÂN TỘC?

Thứ nhất, dân tộc là một phạm trù lịch sử, ra đời, phát triển gắn với sự phát triển của lực lượng sản xuất xã hội; vừa tuân theo quy luật phát triển chung, vừa có những đặc thù. Dân tộc là sản phẩm của quá trình phát triển lâu dài của xã hội loài người gắn liền với sự ra đời của xã hội có giai cấp, có nhà nước. Ở phương Đông, dân tộc ra đời trước khi xuất hiện chủ nghĩa tư bản. Ở phương Tây, dân tộc ra đời gắn với sự xuất hiện của chủ nghĩa tư bản.   

Thứ hai, vấn đề dân tộc quan hệ chặt chẽ với  vấn đề giai cấp; áp bức giai cấp là nguồn gốc của áp bức dân tộc. Trong xã hội có giai cấp, mỗi thành viên của một dân tộc đồng thời là thành viên của một giai cấp nhất định. Trong mỗi dân tộc, tùy theo sự phát triển của dân tộc, đều có các giai cấp và tầng lớn khác nhau. Giai cấp nào nắm được tư liệu sản xuất sẽ chi phối quan hệ giai cấp, quan hệ dân tộc. Giải quyết vấn đề dân tộc phụ thuộc vào lợi ích, thái độ của giai cấp cầm quyền đối với từng dân tộc và mối quan hệ giữa các dân tộc.

Thứ ba, giải quyết vấn đề dân tộc là nhiệm vụ chiến lược của cách mạng vô sản; vừa là mục tiêu vừa là động lực của cách mạng vô sản. Xác lập quan hệ bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển giữa các dân tộc, các quốc gia dân tộc là mục tiêu của cách mạng xã hội chủ nghĩa và cũng tạo nên động lực to lớn để giải quyết vấn đề giai cấp. Để thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình, giai cấp công nhân trước hết phải trở thành dân tộc, đại diện cho lợi ích chính đáng của nhân dân và dân tộc.  

Thứ tư, vấn đề dân tộc chỉ được giải quyết triệt để khi và chỉ khi xử lý theo lập trường giai cấp công nhân. Lợi ích của giai cấp vô sản thống nhất với lợi ích chung của nhân dân và lợi ích dân tộc, thực hiện thắng lợi sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân sẽ xóa bỏ áp bức giai cấp, áp bức dân tộc, áp bức con người.   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét