Thứ Ba, 10 tháng 10, 2017

BÀI HỌC KINH NGHIỆM TỪ CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI – Ý NGHĨA TO LỚN CHO ĐẢNG TA VẬN DỤNG VÀO SỰ NGHIỆP BẢO VỆ TỔ QUỐC VIỆT NAM HIỆN NAY


Trong thế kỷ XX, hiếm có cuộc cách mạng nào được nhắc đến nhiều như cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga, 100 năm đã trôi qua, dấu ấn của nó vẫn còn in đậm nét trong nhiều sự kiện quốc tế hiện tại. Và có lẽ sự đặc biệt hơn cả của Cách mạng Tháng Mười Nga là dường như thời gian trôi đi chỉ càng giúp nâng cao thêm tầm vóc của cuộc cách mạng này.
Kinh nghiệm có tính phổ biến đầu tiên là trên cơ sở nắm vững phương pháp khoa học của chủ nghĩa Mác mà phân tích cụ thể tình hình trong nước và ngoài nước trong mỗi giai đoạn phát triển lịch sử, tìm ra quy luật vận động, đề ra đúng đắn chiến lược và sách lược cho cách mạng. Nghiên cứu sự vận động của chủ nghĩa tư bản cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, V.I.Lênin nhận định nó đã bước sang giai đoạn tột cùng của nó, giai đoạn đế quốc chủ nghĩa. Những mâu thuẫn cùa chủ nghĩa đế quốc hết sức sâu sắc. Do đó, V.I.Lênin rút ra kết luận chủ nghĩa đế quốc là “chủ nghĩa tư bản giãy chết”, “là đêm trước của cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Kinh nghiệm phổ biến, bài học phổ biến thứ hai là nhận định được đúng khi nào xảy ra tình thế cách mạng để lãnh đạo khởi nghĩa. Kinh nghiệm Cách mạng Tháng Mười cho thấy tình thế cách mạng phải có ba yếu tố: Các giai cấp thống trị khủng hoảng, không thể cai trị bằng những hình thức cũ được nữa; hai là, do khủng hoảng, sự cực khổ của quần chúng lên đến tột đỉnh; ba là, quần chúng đông đảo bất bình đến cực độ và chống lại các giai cấp thống trị bằng những hành động cụ thể. Nếu chưa có đủ ba yếu tố đó mà đã phát động khởi nghĩa thì phạm phải sai lầm tả khuynh và không tránh khỏi thất bại. Cách mạng Tháng Mười thắng lợi vĩ đại vì đã hội tụ được ba yếu tố khách quan đó. Ðây là bài học về khoa học và nghệ thuật khởi nghĩa khi tình hình đã chín mùi.
Kinh nghiệm và bài học thứ ba có ý nghĩa phổ biến của Cách mạng Tháng Mười là phải biết kết hợp chặt chẽ giữa yếu tố khách quan và yếu tố chủ quan, trong đó yếu tố chủ quan đóng vai trò quyết định nhất vì rằng tình thế cách mạng (yếu tố khách quan) tự nó không thể tự động chuyển thành cách mạng được. Thực tiễn Cách mạng Tháng Mười cho thấy giai cấp vô sản Nga, dưới sự lãnh đạo của Đảng Bônsêvích, đã đóng vai trò tiên phong trong Cách mạng Tháng Hai và Cách mạng Tháng Mười. Giai cấp vô sản đã tập hợp chung quanh mình nông dân nghèo, trung nông và tầng lớp lao động khác, tạo nên một lực lượng xã hội áp đảo bọn tư sản, bọn Mensêvích và bọn xã hội cách mạng.
Kinh nghiệm và bài học phổ biến thứ tư của Cách mạng Tháng Mười là muốn giành thắng lợi trong cách mạng xã hội chủ nghĩa thì phải có đảng vô sản cách mạng, tôi luyện trong chiến đấu, được vũ trang bằng lý luận tiên phong, lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin. Đó là nhân tố quyết định thắng lợi.
Kinh nghiệm và bài học phổ biến thứ năm của Cách mạng Tháng Mười là việc đánh đổ chính quyền tư sản phải đưa đến việc thành lập chính quyền của vô sản liên minh với nông dân. Nói một cách khác, sự quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội phải thông qua chuyên chính vô sản. Các Xôviết là một hình thức của chuyên chính vô sản. Chuyên chính vô sản có nhiệm vụ đàn áp sự chống cự của giai cấp bóc lột đã bị lật đổ và các bọn phản động khác trong nước, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa chống kẻ thù bên ngoài. Chuyên chính vô sản là một hình thức liên minh đặc biệt giữa giai cấp công nhân với nông dân và các tầng lớp lao động khác để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.
Bài học kinh nghiệm từ Cách mạng Tháng Mười Nga là cơ sở lý luận và thực tiễn sinh động giúp cho các Đảng Cộng sản vận dụng vào sự nghiệp giải phòng dân tộc trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa hiện nay, trong đó có Đảng Cộng sản Việt Nam.

Hiện nay, trước sự sụp đổ của hệ thống chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu và Liên Xô, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế tạm thời lầm vào thoài trào; chủ nghĩa tư bản và các thế lực phản động đã và đang tiếp tục thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội đối với các nước xã hội chủ nghĩa trong đó Việt Nam là một trọng điểm chống phá. Vì vậy, vấn đề đặt ra cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hiện nay cần phải có sự nhận thức mới trong tư duy và hành động. Bài học kinh nghiệp từ Cách mạng Tháng Mười Nga có ý nghĩa to lớn cho Đảng ta vận dụng vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc ta hiện nay. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét