Thứ Hai, 9 tháng 10, 2017

VÌ SAO CHỦ NGHĨA XÃ HỘI HIỆN THỰC TỒN TẠI HƠN 70 NĂM VỚI NHIỀU THÀNH TỰU TO LỚN LẠI BỊ SỤP ĐỔ

Sự khủng hoảng và đi đến sụp đổ của Liên Xô đã trở thành sự kiện quan trọng trong lịch sử thế giới thế kỷ XX. Từ đó, chủ nghĩa xã hội thế giới lâm vào thoái trào. Sự thật nghiệt ngã đó đã khiến không ít người ngỡ ngàng, dao động, thậm chí mất phương hướng. Nhiều học giả, chính khách phương Tây đắc chí cho rằng, sự kiện trên đã đặt dấu chấm hết cho chủ nghĩa xã hội thế giới và là kết cục bi thảm của phong trào cộng sản quốc tế. Rất tiếc, không chỉ những kẻ chống cộng điên cuồng mà cả những nhà nghiên cứu hời hợt lý luận chủ nghĩa cộng sản đều nói về sự lạc hậu của chủ nghĩa Mác - Lênin. Theo họ, Cách mạng Tháng Mười và sự ra đời của Liên Xô là sự sai lầm của lịch sử, hệ tư tưởng cộng sản đã là sự cáo chung và tìm cách thay thế hệ tư tưởng đó bằng sự pha trộn các giá trị xã hội dân chủ và dân tộc chủ nghĩa.
           Song cũng như toàn bộ lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, lý luận chủ nghĩa xã hội không xuất hiện trên mảnh đất hoang (như những lời vu cáo của những kẻ phản mácxit), nó kế thừa những tư tưởng cộng sản và giải phóng xã hội của quá khứ mà những người ưu tú của nhân loại đã ấp ủ hàng thế kỷ, đã phấn đấu không mệt mỏi, thậm chí hy sinh cả tính mạng vì sự nghiệp giải phóng nhân loại. Theo con đường Cách mạng Tháng Mười, chủ nghĩa xã hội trở thành hiện thực không phải chỉ ở Liên Xô mà còn hiện diện ở nhiều châu lục khác và trở thành đối trọng của chủ nghĩa tư bản. Chủ nghĩa xã hội hiện thực không chỉ là nhân tố cần thiết cho hòa bình, ổn định của thế giới mà còn là điều kiện không thể thiếu để các nước chậm phát triển có được tự do, độc lập thực sự.
          Vì sao chủ nghĩa xã hội hiện thực đã tồn tại hơn 70 năm với nhiều thành tựu to lớn lại bị sụp đổ? V.I.Lênin nhấn mạnh rằng: “Xét cho cùng thì năng suất lao động là cái quan trọng nhất, chủ yếu nhất cho thắng lợi của chế độ xã hội mới.” Hầu hết tất cả các nước xã hội chủ nghĩa đều xuất phát từ một nền kinh tế lạc hậu nên khi lựa chọn mô hình phải căn cứ vào đặc điểm, hoàn cảnh thực tiễn xã hội và sự chỉ đạo về mặt lý luận, vận dụng lý luận vào thực tiễn đất nước, nghĩa là phải đặt chủ nghĩa xã hội trên mảnh đất hiện thực.
Sai lầm về kinh tế của Liên Xô là sau khi V.I.Lênin mất, chính sách kinh tế mới được thay bằng cơ chế kế hoạch hóa tập trung và nền kinh tế phi thị trường hóa. Sự vận dụng không đúng đắn, thiếu sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tế cuộc sống cũng như chậm tổng kết những bài học từ thực tiễn để bổ sung đường lối, chính sách, phát triển lý luận đã làm cho chủ nghĩa xã hội rơi vào trì trệ. Bên cạnh đó là việc duy trì quá lâu một mô hình tổ chức xã hội có nhiều điểm không phù hợp với lý tưởng nhân đạo xã hội chủ nghĩa; sự vội vã xóa bỏ mọi thành phần kinh tế, sản xuất hàng hóa; và nghiêm trọng hơn, nó vi phạm quy luật quan hệ sản xuất phải phù hợp với tính chất và tŕnh độ của lực lượng sản xuất. Do xóa bỏ một cách duy ý chí sản xuất hàng hóa, các nước xã hội chủ nghĩa đã phải trả giá cho sự tách biệt siêu hình và giả tạo giữa sản xuất và nhu cầu, sản xuất với tiêu dùng. Nhiều nước áp dụng cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, không dựa vào đòn bảy kinh tế mà chủ yếu bằng mệnh lệnh hành chính; chậm trễ trong cách mạng khoa học công nghệ hiện đại, coi nhẹ công tác xây dựng đảng và đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội. Điều này khiến cho các đảng cầm quyền một thời gian dài rơi vào giáo điều, rập khuôn, máy móc, kinh tế chậm phát triển và không giải quyết được những vấn đề tồn tại trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Những khuyết tật mang tính giáo điều, chủ quan, duy ý chí, quan liêu, xa rời quần chúng đã làm cho tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội không được phát huy đầy đủ và làm cho chủ nghĩa xã hội rơi vào khủng hoảng và đi đến sụp đổ.
          Đương nhiên, chúng ta không thể lấy sai lầm khuyết tật ấy mà quy về cho chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa Mác - Lênin, càng không phải nó là kết quả tất yếu của Cách mạng Tháng Mười. Một số nước xã hội chủ nghĩa đã tiến hành cải cách, đổi mới thành công trong khi mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực sụp đổ ở Liên Xô và Đông Âu. Với phương pháp tư duy biện chứng, chúng ta khẳng định chắc chắn rằng chủ nghĩa xã hội chỉ thất bại tạm thời. Đó là thất bại của những mô hình, chế độ cụ thể, chủ yếu do không vận dụng và phát triển sáng tạo, đúng đắn lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn cụ thể mỗi nước. Vì vậy, sự thất bại đó không phải là thất bại của những nguyên lý cơ bản và bản chất, tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội. Càng không thể lấy đó làm cớ để nói rằng, Cách mạng Tháng Mười đã hết vai trò lịch sử, chủ nghĩa cộng sản đã đi vào sự cáo chung./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét