Thứ Ba, 10 tháng 10, 2017

CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI ĐÃ XÓA BỎ CHẾ ĐỘ NGƯỜI BÓC LỘT NGƯỜI, GIÀNH QUYỀN BÌNH ĐẲNG CHO NHÂN DÂN LAO ĐỘNG


Lịch sử thế giới và lịch sử hầu hết các quốc gia dân tộc đều đã trải qua các chế độ chiếm hữu nô lệ, phong kiến, trong đó một số nhỏ trong giai cấp chủ nô và địa chủ phong kiến đã áp bức, bóc lột đông đảo nhân dân lao động. Các cuộc cách mạng tư sản đã từng nêu lên khẩu hiệu “Tự do, Bình đẳng, Bác ái”, nhưng thực chất chỉ là sự thay đổi giai cấp bóc lột, nhân dân lao động vẫn chưa thoát khỏi ách áp bức, bóc lột bất công. Ước vọng ngàn đời về xóa bỏ bóc lột bất công, giành quyền bình đẳng của các giai cấp nghèo khổ vẫn chưa thành hiện thực, các cuộc cách mạng đó vẫn “chưa phải là cách mạng đến nơi” như đánh giá của lãnh tụ Hồ Chí Minh từ năm 1927.
Cách mạng Tháng Mười lần đầu tiên đã lật đổ chế độ bóc lột của các giai cấp địa chủ quý tộc và tư sản, giành quyền làm chủ xã hội cho nhân dân lao động. Ngay sau cách mạng thành công, Chính quyền Xôviết đã ban hành Sắc luật xóa bỏ mọi sự phân biệt đẳng cấp, dân tộc và mọi tước vị để tất cả chỉ còn một tên chung là công dân của nước Cộng hòa Xôviết Nga. Đầu tháng 01 năm 1918, Đại hội Xôviết toàn Nga lần thứ III đã thông qua bản Tuyên ngôn về quyền lợi của nhân dân lao động và bị bóc lột. Tuyên ngôn khẳng định mục tiêu của nước Cộng hòa Xôviết Nga là xóa bỏ chế độ người bóc lột người, xóa bỏ giai cấp, đem lại quyền bình đẳng cho mọi tầng lớp nhân dân Nga. Chỉ sau Cách mạng một ngày, Đại hội Xôviết toàn Nga lần thứ II đã thông qua Sắc luật ruộng đất tuyên bố tịch thu tất cả ruộng đất của giai cấp địa chủ quý tộc, quốc hữu hóa và chia cho nông dân. Từ đây, ở nước Nga chế độ sở hữu ruộng đất phong kiến nông nô đã được xóa bỏ, giai cấp nông dân được giải phóng hoàn toàn. Tiếp đó, Chính quyền Xôviết ra các sắc lệnh và thực hiện quốc hữu hóa các nhà máy, xí nghiệp, ngân hàng của giai cấp tư sản, căn bản xóa bỏ quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa ở nước Nga. Chính quyền Xôviết còn tuyên bố và thực hiện bình đẳng nam nữ, quyền tự do tín ngưỡng và bình đẳng giữa các tôn giáo, giữa người theo tôn giáo và người không theo tôn giáo… Các tầng lớp nhân dân nước Nga được giải phóng khỏi ách áp bức bóc lột, được hưởng quyền bình đẳng.
Giá trị giải phóng giai cấp của Cách mạng Tháng Mười đã ảnh hưởng sâu sắc đến nền chính trị thế giới suốt thế kỷ XX. Đến nay, tuy ách áp bức, bóc lột giai cấp nhìn chung trên phạm vi toàn thế giới có được giảm bớt một phần, nhưng bất bình đẳng xã hội vẫn đang còn là một vấn đề quan trọng hàng đầu, diễn ra phổ biến đối với thế giới đương đại và là vấn đề cấp bách với nhiều dân tộc. Nạn bóc lột tàn bạo, sự phân hóa giàu nghèo, sự chênh lệch mức sống và thang giá trị con người ngày càng gia tăng ở nhiều quốc gia, kể cả các nước nghèo và các nước phát triển. Hiện trạng đó càng thôi thúc nhân loại tiến bộ hướng hoạt động của mình vào cuộc đấu tranh giải phóng giai cấp mà Cách mạng Tháng Mười đã giương ngọn cờ đầu. Điều đó khẳng định giá trị giải phóng giai cấp của Cách mạng Tháng Mười vẫn trường tồn cùng nhân loại trước mắt là trong thế kỷ XXI này.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét