Thứ Ba, 3 tháng 4, 2018

ĐẶC ĐIỂM VÙNG DÂN TỘC TÂY NAM BỘ Ở VIỆT NAM

Đặc điểm về địa lý và dân số. Tây Nam Bộ là một bộ phận của châu thổ sông Cửu Long, phía Bắc giáp Campuchia, phía Tây Nam là vịnh Thái Lan, phía Đông Nam là Biển Đông; diện tích tự nhiên là 40.548,2 km², gồm 13 tỉnh, thành: Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Hậu Giang, Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, Đồng Tháp. Năm 2011, dân số vùng dân tộc Tây Nam Bộ là 17,33 triệu người, đa số là người Kinh, còn lại là các dân tộc: Khơ-me, Hoa, Chăm. Khu vực này từng là vùng tập trung lớn nhất của người Khơ-me ở ngoài Campuchia, gọi là Khơ-me Crôm (người Khơ-me ở vùng dưới). Đồng bào Khơ-me cư trú chủ yếu ở Trà Vinh, Sóc Trăng; người Chăm theo đạo Hồi sống ở Tân Châu, An Giang; người Hoa sống ở Kiên Giang và Trà Vinh.
Đặc điểm về lịch sử, văn hóa - xã hội. Người Kinh là những lưu dân từ Bắc và Bắc Trung Bộ đã vượt biển theo chúa Nguyễn đến khai khẩn vùng đất Nam Bộ từ thế kỷ XVII. Năm 1698, chính quyền chúa Nguyễn đến Nam Bộ, xác lập cơ cấu hành chính quản lý vùng đất cực Nam. Những thế hệ cư dân người Việt đã đến Tây Nam Bộ khai khẩn đất đai, tạo lập xóm ấp theo mô hình làng xóm ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ. Họ còn tạo nên một đời sống văn hóa phong phú nhưng có những nét riêng ở Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Người Khơ-me có mặt khá sớm, nhiều chùa của người Khơ-me ở Trà Vinh, Sóc Trăng được xây dựng từ 4-5 thế kỷ trước.
Vào thế kỷ XVII, người Hoa cũng dần di cư đến miền Nam Việt Nam, sinh sống ở Tây Nam Bộ. Những người Trung Hoa ban đầu đến Nam Bộ với tư cách kiều dân, dần dần định cư, tham dự vào công cuộc khẩn hoang, hội nhập vào cộng đồng cư dân và trở thành công dân Việt Nam. Người Chăm, cư trú tập trung ở một số huyện, thị là: Châu Phú, Tân Châu, Châu Đốc tỉnh An Giang, đầu nguồn sông Hậu. Đầu thế kỷ XVIII, một số người Chăm từ Campuchia theo sông Hậu vào định cư ở Châu Đốc.
Hơn ba thế kỷ qua, các cộng đồng cư dân cùng cộng cư ở vùng Tây Nam Bộ, khẳng định sức sống mãnh liệt của đồng bào trên vùng đất Tây Nam của Tổ quốc. Các dân tộc đoàn kết, giúp đỡ nhau xây dựng cuộc sống, kiến tạo nhiều nét văn hóa phong phú, đặc biệt đã góp phần gìn giữ đất nước trước các cuộc xâm lấn, nô dịch của ngoại bang.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét