Hiện nay, khi mà khoa học công nghệ ngày càng phát triển
mạnh mẽ và có vai trò ngày càng quan trọng trong đời sống của nhân loại thì các
thế lực thù địch coi đây là phương tiện mạnh mẽ để lợi dụng tiến hành hoạt động
chống phá. Và một trong những thủ đoạn phổ biến trong thời gian qua là chúng đã
sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền, kích động chống phá, xuyên tạc sự thật.
Trước những âm mưu, thủ đoạn hết sức thâm
độc lợi dụng mạng xã hội chống phá, xuyên tạc sự thật ở nước ta, hệ thống báo
chí nước ta cần phải phát huy tốt vai trò tiên phong trên lĩnh vực thông tin,
tuyên truyền; luôn giữ vững định hướng chính trị, kịp thời đấu tranh với những
thông tin sai trái, xuyên tạc, phủ nhận truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc,
vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, điều hành của chính quyền
các cấp cùng thành tựu sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay. Cần phải có nhiều
tờ báo (cả báo giấy và báo điện tử), tạp chí với nhiều chuyên trang, chuyên mục
đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, làm rõ bản chất, vạch trần âm mưu, thủ
đoạn chống phá của các thế lực thù địch, nhất là trên lĩnh vực báo chí, truyền thông
thông qua các trang mạng xã hội. Các bài viết đăng tải trên các báo, tạp chí
của các chuyên gia, nhà phê bình dưới dạng chuyên sâu, chuyên đề, được nghiên
cứu một cách bài bản, khoa học, tiếp cận đầy đủ, toàn diện, sâu sắc vấn đề kết
hợp với những bài viết ngắn, cập nhật tính thời sự, mang hơi thở thực tiễn, tạo
nên bức tranh tổng thể phản ánh trung thực mọi mặt của đời sống xã hội. Đó
chính là vũ khí sắc bén đấu tranh phản bác lại những quan điểm sai trái, thù
địch, lợi dụng tự do báo chí, tự do ngôn luận để chống Đảng, chế độ, làm mất ổn
định chính trị, gây khó khăn cho việc kiến tạo môi trường hòa bình đối với sự
nghiệp phát triển đất nước. Thông qua công tác tuyên truyền của báo chí, giúp
cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hiểu rõ hơn âm mưu, thủ đoạn
chống phá của các thế lực thù địch, không bị kích động, xúi giục, lôi kéo vào
những mưu đồ đen tối của chúng; củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và
con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của dân tộc ta, tạo sự đồng thuận xã hội,
tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ
quốc.
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa,
đấu tranh ngăn chặn mọi hoạt động lợi dụng mạng xã hội chống phá, xuyên tạc của
các thế lực thù địch, hoạt động báo chí cần phải có những giải pháp tổng thể,
hữu hiệu, bằng nhiều hình thức phong phú, quyết liệt. Trong đó, không thể xem
nhẹ công tác tuyên truyền, giáo dục, giác ngộ, nâng cao nhận thức của người dân
trước những âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch, bảo đảm cho họ phân biệt
được đúng, sai, sàng lọc, tiếp nhận thông tin có lợi cho quốc gia, dân tộc,
không tin, không cổ xúy, lan truyền những thông tin xấu, có hại cho Đảng, cho
đất nước. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền thông tin chính thống, định hướng
dư luận trên các loại hình báo chí; khắc phục hiện tượng thương mại hóa hoạt
động báo chí, đưa thông tin theo kiểu giật gân, câu khách, tiếp tay cho sự
chống phá của các thế lực thù địch. Mặt khác, phải nâng cao trách nhiệm chính
trị, đạo đức nghề nghiệp của cơ quan báo chí, nhà báo và công dân; tổ chức tốt
những vệt bài đấu tranh, phê phán luận điệu, quan điểm sai trái trên các ấn
phẩm báo chí; giám sát, bảo đảm an ninh mạng, làm tốt công tác bảo vệ tài liệu
mật, không để kẻ địch thu thập, xuyên tạc, tuyên truyền trên các phương tiện
thông tin, báo chí để chống Đảng, chế độ và sự nghiệp đổi mới đất nước của nhân
dân ta, dân tộc ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét