Trước sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội
hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu nhiều học giả tư sản và các lực lượng phản động
đã liên tiếp đưa ra các luận điệu phản động của mình để nhằm mục đích xóa bỏ hệ
tư tưởng của chủ nghĩa Mác – Lênin, một trong những luận điệu đó, chính là họ
cho rằng sự sụp đổ mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu
chính là sự lỗi thời lạc hậu của chủ nghĩa Mác – Lênin, vậy có phải quan điểm
trên là đúng?
Cần phải nói rằng mô hình chủ nghĩa xã hội
hiện thực, trên thực tế đã mang lại sự thay đổi rung trời chuyển đất, tạo ra một
bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử tồn tại và phát triển của xã hội loài người. Mô
hình chủ nghĩa xã hội hiện thực đã mang lại cuộc sống tốt đẹp cho một bộ phận
không nhỏ quần chúng nhân dân lao động ở một loạt các nước xã hội chủ nghĩa. Nó
cũng tạo nên một sức mạnh mà giai đoạn trước đó không thể tưởng tượng về nguồn
lực vật chất và tinh thần, đủ sức để động viên sức người, sức của, tạo thành lực
lượng chủ yếu đánh thắng cả những lực lượng to lớn của liên minh các thế lực tư
bản trong Chiến tranh thế giới thứ nhất cũng như đội quân phát xít tàn bạo của
trục ma quỷ trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Bằng thực tế sinh động tốt đẹp
trên các đất nước xây dựng chủ nghĩa xã hội, nó đã động viên, thúc đẩy cuộc đấu
tranh vì tự do, dân chủ, hòa bình, giải phóng dân tộc trên toàn thế giới. Hàng
loạt dân tộc bị áp bức đã giành được độc lập, tự do dưới ảnh hưởng và sự giúp đỡ
vô tư của các nước xã hội chủ nghĩa do Liên Xô dẫn đầu. Chính chủ nghĩa xã hội
và cuộc đấu tranh rộng lớn, mạnh mẽ của nhân dân lao động trên toàn thế giới đã
buộc các thế lực tư bản, đế quốc phải thừa nhận quyền tự do, độc lập của các
dân tộc trong hệ thống thuộc địa rộng lớn của chủ nghĩa tư bản, thực dân, đế quốc,
mặt khác tạo thành sức ép buộc các thế lực tư bản phải có những cải cách xã hội,
cải thiện đời sống của nhân dân lao động ở chính quốc. Từ những điều phân tích
trên có thể khẳng định rằng chủ nghĩa xã hội là một hiện thực hùng mạnh đủ để
những chiến lược gia, các nhà lý luận tư sản phải thừa nhận và đưa ra những dự
báo về thất bại không thể đảo ngược của chủ nghĩa tư bản.
Sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội hiện
thực ở Liên Xô và Đông Âu thực sự đây là một tổn thất to lớn, để lại bài học
đau đớn không chỉ cho những người cộng sản, mà còn cho cả nhân loại tiến bộ.
Tuy nhiên đó là kết quả của sự bảo thủ, không nhìn thẳng vào thực tế, chậm đổi
mới nhận thức và đổi mới các chính sách cũng như những giải pháp cần thiết để
giải quyết những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn, những mâu thuẫn tất yếu nảy sinh
trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Đó cũng chính là những sai lầm
của những người cộng sản ở Liên Xô và các nước Đông Âu mắc phải do không nhận
thức đúng đắn những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin về tính biện chứng
và quan điểm lịch sử - cụ thể trong quá trình lãnh đạo cuộc cách mạng xã hội chủ
nghĩa đã cố chấp và thiên kiến mà bỏ qua bài học phương pháp luận quý báu của
V.I.Lênin, không “dùng cả hai tay mà lấy những cái tốt nhất của nước ngoài” để
xây dựng phát triển chế độ xã hội chủ nghĩa.
Mặt khác, sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa
xã hội hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu chỉ là sự sụp đổ của một mô hình xây dựng
chủ nghĩa xã hội cụ thể. Tuyệt nhiên đó không phải là sự sụp đổ của một học
thuyết, càng không thể là sự sụp đổ về một tương lai tốt đẹp mà nhân loại tiến
bộ đang hướng tới. Điều ấy không chỉ được minh chứng bằng việc ngay ở thời điểm
hiện nay, một loạt nước ở tây bán cầu cận kề nước Mỹ đang tìm con đường
và cách thức để xây dựng chủ nghĩa xã hội theo một mô hình mới. Nó cũng được
minh chứng bởi một loạt quốc gia ở chính châu Âu, nhất là các nước Bắc Âu đã và
đang lấy chủ nghĩa xã hội làm mục đích và cảm hứng để xây dựng, phát triển đất
nước mình.
Tất cả những thực tế ấy đã chứng minh và
khẳng định rằng sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và
Đông Âu không phải là sự lỗi thời của chủ nghĩa Mác – Lênin, ngược lại nó cũng
chứng minh cho những quan điểm trên là hoàn toàn sai trái. Thực tế cũng đang chỉ
ra rằng, chính chủ nghĩa tư bản đang đứng trước những thách thức đầy nguy hiểm.
Chính sự mâu thuẫn lợi ích, căn bệnh bản chất của chủ nghĩa tư bản đang làm nảy
sinh sự chia rẽ khó tránh khỏi trong các liên minh tưởng chừng như bền vững của
họ, điều này được biểu hiện qua hiện tượng Brexit của nước Anh tách khỏi châu
Âu./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét