Thứ Sáu, 4 tháng 6, 2021

BÓNG DÁNG HAI NGƯỜI PHỤ NỮ VÀ CHUYẾN ĐI BÍ MẬT

Mật thám ghi chép hằng ngày nhưng hiếm thấy Nguyễn Ái Quốc tiếp xúc với phụ nữ. Một lần mật thám ghi lại cuộc gặp gỡ của Người với nữ chiến sĩ cách mạng nổi tiếng của Đức - Clara Zetkin trong những ngày dự Đại hội Tours.

Một lần khác, là câu chuyện Nguyễn Ái Quốc đã gửi thư cho một phụ nữ tên là Boudhon. Hồ sơ mật thám ngày 10-5-1923 ghi: “Nguyễn Ái Quốc gửi thư cho cô Boudhon báo tin đã làm xong ảnh của cô. Anh tỏ ý muốn làm gấp đôi số ảnh và gửi lại một nửa “để kỷ niệm tình bạn của chúng ta”. Anh gửi kèm theo lá thư hai tấm ảnh của Boudhon và tờ Le Paria số 14. Bức thư này bị trả lại vì “không có người nhận”.

Hồ sơ mật thám ngày 6-6-1923 cũng cho thấy: “Nguyễn Ái Quốc gửi thư cho cô Boudhon. Bức thư bỏ ở thùng thư số 3 phố Marché des Patriarches, đã bị mật thám sao chép lại, nội dung như sau:

"Đồng chí thân mến,

Tôi đã đợi đến 16 giờ. Tôi buộc phải đi đến 19 giờ. Mong đồng chí hẹn cho biết ngày đồng chí quay lại đây. Muộn nhất là thứ bảy. Mong đồng chí thứ lỗi. Gửi đồng chí lời chào trân trọng.

Nguyễn Ái Quốc".

Xem bức thư trên thật khó hình dung đây là một người mà Nguyễn Ái Quốc muốn tiếp thị, bán báo, một tình bạn đẹp hay là một đồng chí đang trao đổi “mật khẩu” công việc?

Chỉ biết rằng hơn một tháng sau, báo cáo của mật thám ngày 11-6-1923, cho thấy cô Boudhon hồi âm: Nguyễn Ái Quốc nhận được thư của cô Boudhon, đề ngày 11-6-1923, gửi từ địa chỉ số 29 phố Đuy Tămplơ (Du Temple) báo tin đã nhận được thư của anh, đề nghị anh giữ lại những bức ảnh đã in. Cuối thư, cô viết: “Nếu ông thấy cần thiết tặng ảnh cho tôi thì ngày mai mời ông đến tiệm ăn”.

Nhưng cuộc “hẹn hò” ấy dường như đã không kịp diễn ra khi hồ sơ mật thám còn ghi rằng, trước ngày 13-6, Nguyễn Ái Quốc đã viết thư từ biệt gửi các bạn cùng hoạt động trước khi bí mật rời Paris. Nói lên tình cảm với các đồng chí của mình, anh viết: “Tôi từ giã các bạn. Tôi xa các bạn, nhưng lòng tôi luôn luôn gần các bạn”.

Buổi tối ngày 13-6-1923, Nguyễn Ái Quốc bí mật rời Paris đi Liên Xô, đất nước mà Người mơ ước được đặt chân tới.

Để đi được trót lọt trong hoàn cảnh bị mật thám Pháp thường xuyên theo dõi, Nguyễn Ái Quốc đã mất một thời gian khá dài để chuẩn bị cho cuộc ra đi này. Người đã làm việc và sinh hoạt thật nền nếp: Buổi sáng đi làm, buổi chiều đến thư viện, tối dự mít tinh, khuya về nhà ngủ, để mật thám Pháp quen với “quy luật hoạt động” của Nguyễn Ái Quốc.

Người cũng nắm vững “quy luật hoạt động” của chúng: Chúng chỉ theo Người từ nhà trọ đến chỗ làm việc, đến chỗ đọc sách, đến nơi hội họp. Sau đó, tin chắc rằng Nguyễn Ái Quốc chẳng đi đâu mất, chúng ra về.

Tối ngày 13-6, Nguyễn Ái Quốc ung dung lên xe buýt đi tham gia một cuộc mít tinh ở ngoại ô Paris. Độ nửa giờ sau, Người lặng lẽ đi quanh về ga xe lửa. Một đồng chí tin cẩn đã chờ sẵn ở đó, trao cho Người một vé xe lửa hạng nhất (khách loại sang thường ít bị mật thám nghi ngờ) và một vali con.

Sau này, nhắc lại cuộc ra đi ấy, Bác Hồ nói: “Bác cố trấn tĩnh, nhưng đến khi xe lửa qua khỏi biên giới Pháp - Đức, trong ngực mới hết phập phồng”.

Cuối năm đó, Bộ Thuộc địa mới biết điều này qua việc gửi Công điện cho Toàn quyền Đông Dương về việc đã tìm thấy dấu vết của Nguyễn Ái Quốc, “có thể đang ở Moscow”.

1 nhận xét: