Thứ Sáu, 4 tháng 6, 2021

VỮNG NIỀM TIN, KIÊN ĐỊNH VỚI MỤC TIÊU

Có nhiều cách tiếp cận khác nhau về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam thời gian qua và đã có những tranh luận, những hoài nghi, phản bác. Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tập trung trả lời những câu hỏi căn cốt của vấn đề này ở cả góc độ lý luận và thực tiễn. Nội dung bài viết của Tổng Bí thư đã nêu cụ thể hơn con đường lý tưởng và chân giá trị mà Bác Hồ và Đảng ta, Nhân dân ta đã lựa chọn, đã xác quyết và kiên trì phấn đấu.

Tổng Bí thư cũng nêu rõ, chúng ta xây dựng một xã hội đi theo lý luận cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Chủ nghĩa xã hội là mục tiêu của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhân dân Việt Nam. Đi lên chủ nghĩa xã hội là yêu cầu khách quan và con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam. Đảng ta, Nhân dân ta phải luôn kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và phấn đấu cho mục tiêu, cho lý tưởng xây dựng bằng được chủ nghĩa xã hội.

Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội không dễ dàng, không phải tự nhiên đến đích ngay được mà đòi hỏi phải vượt qua rất nhiều khó khăn, gian khổ. Những khó khăn, gian khổ ấy không chỉ đến từ bên ngoài, không chỉ do các thế lực thù địch chống phá mà còn nảy sinh từ trong chính chúng ta. Trên con đường đó, chắc chắn sẽ xuất hiện một bộ phận cán bộ, đảng viên bị thoái hóa, biến chất, những kẻ không “kìm được lòng” trước sự cám dỗ của của cải, vật chất, quyền lực nên tham nhũng và tha hóa. Thực tiễn hơn 30 năm đổi mới đã có không ít cán bộ, đảng viên quên đi lý tưởng của Đảng ta là vì Nhân dân, giải phóng Nhân dân, đem lại cuộc sống ấm no, tự do và hạnh phúc cho mọi người dân; đã có những cán bộ, đảng viên chỉ chăm lo cho lợi ích cá nhân, làm giàu cho mình, vơ vét của chung làm của riêng khiến Nhân dân mất lòng tin.

Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội có thể dẫn đến những bước ngoặt, có thể có những bước lùi. Cũng có những giai đoạn lịch sử, sự thoái hóa, tha hóa của một bộ phận cán bộ, đảng viên làm suy giảm niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Đó là một thực tế khách quan. Vấn đề là chúng ta vượt qua những bước ngoặt, những bước lùi đó như thế nào? Những kết quả từ công tác xây dựng, chỉnh đốn đội ngũ nói chung và phòng, chống tham nhũng, phòng, chống sự suy thoái, tha hóa trong đội ngũ cán bộ, đảng viên nói riêng của Đảng ta, dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng 10 năm qua, tuy chưa mỹ mãn như kỳ vọng, còn phải tiếp tục làm mạnh hơn nữa, nhưng đã củng cố niềm tin mà Nhân dân dành cho Đảng, dành cho Nhà nước.

Nói như vậy để thấy rằng, đi lên chủ nghĩa xã hội là một quá trình nhiều khó khăn, thử thách. Chúng ta phải vừa đi, vừa nghiên cứu, vừa vận hành, vừa hoàn thiện bởi hiện tại, chưa ở đâu có chủ nghĩa xã hội và chưa ai thực sự hình dung được một cách đầy đủ, trọn vẹn về chủ nghĩa xã hội. Chúng ta vừa nghiên cứu lý luận, lại vừa vận hành trong thực tiễn, quá trình này có thể có những sai lầm trong lý luận, có thể có sai lầm trong thực tiễn gây khó khăn, làm cản trở bước tiến của chúng ta. Nhưng tất thảy điều đó chúng ta đều sẽ vượt qua được nếu Đảng ta, Nhân dân ta đoàn kết một lòng, vững niềm tin, kiên định chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Bài viết của Tổng Bí thư cũng cho thấy rõ: trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, chúng ta bỏ qua giai đoạn tư bản chủ nghĩa nhưng không phải là phủ định sạch trơn chủ nghĩa tư bản như cách hiểu của một số người trước đây. Quan điểm đúng đắn là chúng ta xây dựng xã hội không đi vào những khiếm khuyết, những tồn tại, những thói hư tật xấu của chủ nghĩa tư bản mà tiếp nhận, phát huy những thành tựu về khoa học, công nghệ, về kinh tế, xã hội, tận dụng các thành tựu đó để xây dựng đất nước ngày càng phát triển hơn.

Tổng Bí thư đã viết: chúng ta đang đi xây dựng một mô hình xã hội chủ nghĩa trong thực tiễn chứ không phải một mô hình lý thuyết, sách vở. Vì thế, trong quá trình này, không thể cứng nhắc, càng không thể giáo điều mà phải vừa nghiên cứu, vừa kế thừa, vừa kiên định với mục tiêu, lý tưởng nhưng đồng thời cũng phải sáng tạo, phải vận dụng và phát huy tối đa những thành tựu của nhân loại vào phát triển đất nước giàu mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Chủ nghĩa xã hội gắn liền với sự văn minh, sự tiến bộ, thể hiện ở lực lượng sản xuất hiện đại. Vì thế, chúng ta phải tranh thủ những thành tựu khoa học, công nghệ để xây dựng đất nước giàu mạnh hơn.

Tổng Bí thư cũng đã chỉ rõ: mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang thực hiện hiện nay là mô hình chưa có tiền lệ, không giống với mô hình kinh tế thị trường của các nước đang có và cũng không phải là mô hình kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa trong tương lai. Vì thế, trong giai đoạn quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, chúng ta phải uyển chuyển nghiên cứu và tận dụng tất cả những lợi thế của kinh tế thị trường để phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Cái chúng ta “bỏ qua” không phải là những thành tựu tiến bộ về khoa học, công nghệ, về trình độ phát triển của chủ nghĩa tư bản mà chính là những mâu thuẫn cơ bản, những “khuyết tật vốn có” của chủ nghĩa tư bản. 

1 nhận xét:

  1. Việt Nam đã đi rất đúng hướng, cho nên đất nước mới phát triển mạnh mẽ như vậy

    Trả lờiXóa