Thứ Sáu, 4 tháng 6, 2021

CHỦ BÚT LÀM CẢ PHÁT HÀNH VÀ ... QUẢNG CÁO

Mặc dù nhiều khó khăn chồng chất, bị theo dõi gắt gao, thiếu thốn về vật chất và vấn đề sức khỏe, nhưng Nguyễn Ái Quốc dùng hầu hết số tiền kiếm được để mua các tờ báo cánh tả, đặc biệt là báo “Nhân đạo” (L'humanité). Anh vẫn hăng say nghiên cứu, học tập, viết được hơn 30 bài đăng các báo tiến bộ Pháp: La Vie Ouvriere (Đời sống thợ thuyền); L'humanité (Nhân đạo); Le Populaire (Dân chúng)...

Do sớm nhận rõ vai trò của báo chí nên ngày 19-1-1922, Nguyễn Ái Quốc cùng với Ban thường vụ Hội Liên hiệp thuộc địa đã họp, quyết định thành lập cơ quan ngôn luận của Hội, lấy tên tờ báo là “Người cùng khổ” (Le Paria). Nguyễn Ái Quốc tổ chức kiêm chủ bút và đóng góp rất nhiều cho hoạt động của tờ báo, có số Nguyễn Ái Quốc viết đến hai, ba bài. Nhiều số báo anh còn vẽ tranh châm biếm. Tổng cộng, Nguyễn Ái Quốc đã viết 40 bài báo, chiếm hơn 60% tổng số bài đăng trên tờ báo duy nhất trong lịch sử báo chí thế giới, với tư cách là diễn đàn của các dân tộc thuộc địa.

Lúc đó, ở Đông Dương, bọn thực dân đưa ra quy định ai đọc tờ báo “Người cùng khổ” đều bị bắt. Các hiệu sách, báo lẻ nói chung không muốn nhận tờ báo này. Có lúc quỹ của báo không còn đồng nào, thậm chí có lúc còn nợ nhà in 150 francs... Riêng Nguyễn Ái Quốc ủng hộ rất đều cho báo mỗi tháng 25 francs. Người nói: Chúng ta phải bằng bất cứ giá nào làm cho tờ báo sống. Dù chính quyền Pháp ngăn cản, nhưng Nguyễn Ái Quốc đã có nhiều hoạt động sáng tạo để bảo đảm kinh phí và duy trì hoạt động của tờ báo. Người tham gia bán báo và dùng chính nghề ảnh của mình để...bán báo. Nguyễn Ái Quốc tặng cho mỗi độc giả nào vận động được 25 người mua báo "Người cùng khổ" dài hạn một tấm ảnh phóng cỡ 30x40cm rất nghệ thuật. Người còn ra sức vận động đồng bào mình sinh sống trên đất Pháp dù nghèo túng cũng hết sức dành dụm tiền ủng hộ tờ báo. Nhờ đó, báo nhận được nhiều tên người Việt Nam ủng hộ, mỗi người một ít nhưng cộng lại là một số tiền khá lớn!

Nguyễn Ái Quốc cùng với những người trong Hội liên hiệp các dân tộc thuộc địa thành lập Hợp tác xã và Điều lệ để gây vốn làm báo. Cuộc họp đã thông qua Điều lệ của Hợp tác xã do Nguyễn Ái Quốc trình bày. Điều lệ gồm 25 điều khoản xác định Hội Hợp tác là một hội kinh doanh sản xuất, mỗi cổ phần đóng 100 francs làm vốn, 15.000 francs để ra tờ báo Le Paria. Hợp tác xã kêu gọi mọi người tham gia góp vốn để làm báo, coi như một hình thức kinh doanh cổ phần và nếu có lợi thì những người đóng góp sẽ được hưởng 30%.

Theo báo cáo của mật thám Pháp ở Paris ngày 14-6-1923 thì năm 1923, báo "Người cùng khổ" xuất bản mỗi số 2000 bản, trong đó 1000 bản gửi đi các nước thuộc địa châu Phi và Đông Dương. Với khoảng thời gian từ tháng 4-1922 đến tháng 6-1926, tờ báo "Người cùng khổ" phát hành được 38 số. Tại Việt Nam, các thủy thủ yêu nước đã bí mật đem báo "Người cùng khổ" từ Paris về các cảng Sài Gòn, Hải Phòng đưa cho các cơ sở rồi từ đó phân phát đi bằng cách truyền tay nhau đến các thanh niên trí thức yêu nước ở các thành phố, học sinh, sinh viên. Những bài hay, nhất là những bài ký tên Nguyễn Ái Quốc thường được họ chép lại, làm tài liệu để đọc đi đọc lại nhiều lần và phổ biến cho bạn bè, vì số lượng báo đưa về không nhiều, không thể đến khắp các nơi cần có.

1 nhận xét: