Để góp phần bảo vệ Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh,
đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giữ vững
trận địa tư tưởng vô sản; xây dựng và phát huy nền văn hóa Việt Nam tiên tiến,
đậm đà bản sắc dân tộc, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến
hòa bình” của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa trong tình hình
mới, cần phải thực hiện tốt một số nội dung và biện pháp chủ yếu sau:
Một là, nâng cao chất lượng giáo dục, tuyên truyền Chủ nghĩa Mác-Lênin,
tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của
Nhà nước trong toàn xã hội. Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền
tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Đảng và nhân dân ta. Sự nghiệp
đổi mới đất nước đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, trước hết
và trên hết là do Đảng ta nhận thức đúng đắn và vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa
Mác-Lênin vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể của Việt Nam. Trong bối cảnh tình hình
hiện nay, Đảng ta tiếp tục khẳng định lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí
Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng ta.
Hai là, đẩy mạnh đấu tranh tư tưởng, văn hóa. Đấu tranh TTVH là
đòn trực diện tấn công vào các quan điểm phản động, thù địch, làm thất bại mọi
âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trong tình hình
mới. Theo đó, cần thực hiện tốt một số nội dung, biện pháp chính, như: Chủ động
tiến hành cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận sâu rộng, củng cố nhận thức, quan
điểm của cán bộ, đảng viên và nhân dân; đồng thời, làm thất bại các quan điểm,
tư tưởng chống đối từ nhiều phía. Tăng cường tính chủ động, tinh thần đấu tranh
chống các luận điệu chống phá nước ta dưới chiêu bài dân chủ, nhân quyền, dân
tộc, tôn giáo. Các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, cơ sở, cần có
kế hoạch ngăn chặn ý đồ của các thế lực thù địch trong việc tác động, từng bước
làm chuyển hóa tư tưởng chính trị của cán bộ, đảng viên và nhân dân ta theo
quan điểm tư tưởng tư sản phương Tây.
Ba là, bảo đảm định hướng chính trị trong các
sinh hoạt văn hóa và hoạt động của các phương tiện thông tin đại chúng. Các
sinh hoạt văn hóa và hoạt động của các phương tiện thông tin đại chúng phải
hướng vào phục vụ, cải thiện và nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân
dân, góp phần tích cực vào quá trình xây dựng con người Việt Nam mới, xây dựng
nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Chống mọi biểu hiện
“thương mại hóa”, “phi chính trị” trong các hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Tăng
cường lãnh đạo, quản lý công tác thông tin, báo chí, xuất bản, VHVN; kịp thời
ngăn chặn những quan điểm lệch lạc, thương mại hóa, xa rời tôn chỉ mục đích, lộ
bí mật quốc gia, gây rối nội bộ. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng chính trị các
hoạt động văn hóa, làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch hòng thay đổi
hệ giá trị văn hóa Việt Nam bằng hệ “giá trị” văn hóa tư sản; bảo vệ và phát
triển nền văn hóa truyền thống, cách mạng, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc
trong tình hình mới.
Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943, cho đến nay đã tròn 80 năm -
là một văn kiện lịch sử vô giá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với cách
mạng, kháng chiến, chỉ ra con đường vận động, phát triển của nền văn hóa mới
Việt Nam. Với tính chất là một bản “đề cương” ngắn gọn, ra đời trong bối cảnh
đặc biệt của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, trải qua 80 năm nhưng những tư
tưởng, quan điểm thể hiện trong Đề cương vẫn vẹn nguyên giá trị và tính thời sự
sâu sắc.
“Dân tộc, khoa học,
đại chúng” – những thuật ngữ đã trở thành khẩu hiệu, mệnh lệnh trong suy nghĩ,
hành động của mỗi người dân Việt Nam trong suốt quá trình đấu tranh giải phóng
dân tộc, thực hiện công cuộc đổi mới và đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Dân
tộc, khoa học, đại chúng đã trở thành tính chất, đặc trưng của nền văn hóa Việt
Nam – một nền văn hóa thấm đẫm tinh thần dân tộc, giàu bản sắc do nhân dân sáng
tạo với khát vọng không ngừng vươn đến cái đẹp, cái ích, cái tiến bộ, văn minh.
Kế thừa, bổ sung và phát triển những quan điểm của Đề cương về
tính chất, nguyên tắc vận động của nền văn hóa mới, các nghị quyết của Đảng đều
khẳng định: Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc,
thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với các đặc
trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học.
Ra đời cách đây gần
một thế kỷ nhưng những quan điểm, nguyên tắc, chủ trương đúng đắn, kịp thời của
Đảng về văn hóa, văn nghệ đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị và tinh thần thời đại
sâu sắc, thể hiện tư duy, tầm nhìn và khát vọng của toàn Đảng, toàn dân nỗ lực,
quyết tâm, đổi mới, sáng tạo, cống hiến để vun đắp nền văn hóa Việt Nam tiên
tiến, giàu bản sắc, tạo sức mạnh, nguồn lực nội sinh để xây dựng nước Việt Nam
phồn vinh và hạnh phúc./.
các biện pháp này rất hay
Trả lờiXóa