Mới đây, Công an huyện Krông Năng (tỉnh Đắk Lắk) đã khởi tố vụ
án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 3 thanh niên về hành vi cướp tài sản.
Cả
3 đối tượng này vì nợ nần mà tình cờ “gặp nhau” ở cái gọi là “Hội những người
vỡ nợ muốn làm liều” trên Facebook nên rủ nhau lên Đắk Lắk để cướp tài sản. Vụ
việc trên không phải là cá biệt.
Hiện nay, trên mạng xã hội (MXH) xuất hiện không ít hội, nhóm
chỉ cần nghe qua cái tên cũng đủ thấy tính chất tào lao, lệch lạc như: “Hội
những người muốn tự tử”, “Hội những người từng đi cai nghiện ma túy”, “Hội
những người đã từng đi tù”... Điều đáng nói là những hội, nhóm này ít thì có
dăm bảy nghìn người tham gia, nhiều thì tới vài ba chục nghìn người hưởng ứng.
Không
chỉ có những hội, nhóm lôi kéo, xúi giục, kích động nhau thực hiện những hành
vi liều lĩnh mà còn có những hội, nhóm “rỉ tai” nhau làm những việc thiếu lành
mạnh như: “Hội ấu dâm”, “Hội lẳng lơ”, “Hội chăn chuối”, “Hội những thằng thích
đồ lót phụ nữ”... Những hội, nhóm này tồn tại ở dạng “hội kín” và chỉ kết nạp
những người quen biết tham gia.
Thời gian qua, sự bùng nổ của MXH (nhất là Facebook, Zalo...) đã
tạo ra làn sóng “nhà nhà lập nhóm, người người lập hội” để giao lưu, trò
chuyện, chia sẻ với nhau về những vấn đề cùng quan tâm, cùng sở thích. Bên cạnh
những hội, nhóm có tác dụng tích cực như trao đổi học tập, động viên nhau làm
việc thiện nguyện, chia sẻ, giúp đỡ nhau những lúc khó khăn; thì cũng xuất hiện
không ít hội, nhóm trở thành nơi quy tụ của tội phạm và tệ nạn xã hội.
Luật pháp và các cơ quan quản lý nhà nước đã có quy định, hướng
dẫn cư dân mạng phải tuân thủ những nguyên tắc cơ bản trong việc tham gia, sử
dụng MXH, đồng thời cũng đề ra chế tài nghiêm khắc để xử lý các trường hợp lợi
dụng MXH thực hiện những hành vi trái pháp luật, thuần phong mỹ tục dân tộc và
đạo đức xã hội. Tuy nhiên, hoặc là vì tò mò muốn khám phá, hoặc là bị rủ rê,
lôi kéo mà nhiều người, nhất là người trẻ thiếu bản lĩnh, vốn sống nên các hội,
nhóm tào lao, lệch lạc vẫn có sức hút đối với họ.
Để thanh thiếu niên có thể “miễn nhiễm” những thứ “rác văn hóa”
vốn đầy rẫy trên MXH và tránh xa những nhóm, hội tào lao, phản cảm, lệch lạc,
hơn ai hết, các bậc cha mẹ, nhà trường, thầy cô và tổ chức đoàn, đội, hội sinh
viên không chỉ làm tốt vai trò giáo dục, định hướng, dẫn dắt thanh thiếu niên,
học sinh biết tìm đến những hội, nhóm tích cực, nhân văn trên MXH; mà phải chủ
động kiến tạo và tổ chức các mô hình, hoạt động, sân chơi bổ ích, lành mạnh đủ
sức lôi cuốn các em tự nguyện hưởng ứng, tham gia nhiệt tình. Mặt khác, cần
quan tâm bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng cho thanh thiếu niên tham gia,
sử dụng MXH một cách văn minh, khoa học, hiệu quả.
Trong thế giới bùng nổ thông tin, nếu không thông minh, tỉnh
táo, sáng suốt, ai cũng có thể trở thành nạn nhân của những “quả bom bẩn” với
vô số thông tin, hình ảnh tào lao, sai trái, xấu độc có thể làm tha hóa nhân
cách con người. Nhất là trong bối cảnh công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI,
ChatGPT...) chứa đựng cả lợi-hại thì đòi hỏi mỗi người càng phải chú trọng bồi
đắp, nâng cao “sức đề kháng văn hóa” để có thể khai thác, phát huy tốt nhất các
giá trị mà công nghệ thông tin mang lại; đồng thời phòng ngừa, giảm thiểu tối
đa những hệ lụy mà MXH xuyên biên giới gây ra.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét