Thứ Hai, 15 tháng 4, 2024

ĐẤU TRANH, NGĂN CHẶN LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC VẤN ĐỀ NHÂN QUYỀN Ở VIỆT NAM

Gần 40 năm qua kể từ khi bước vào thời kỳ đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, trong đó có việc bảo đảm nhân quyền góp phần ổn định và phát triển bền vững đất nước. Việt Nam cũng là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 và luôn được đánh giá là thành viên tích cực, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, nhằm chống phá Đảng, Nhà nước ta, các thế lực thù địch không ngừng đưa ra những luận điệu xuyên tạc về việc bảo đảm nhân quyền ở Việt Nam. Trên trang Facebook: “Việt Nam thời báo”, Quang Nguyên, có bài viết “Đấu tranh bất bạo động” nhằm xuyên tạc bản chất vấn đề nhân quyền ở Việt Nam, mà đặc biệt còn xuyên tạc vị trí vai trò người đứng đầu của Đảng, nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Bằng cách thức “nhai lại” điệp khúc mỉa mai dưới chủ đề “bạo lực cách mạng”. Quang Nguyên đã có nhiều lời nhận xét “hồ đồ” thiếu hiểu biết khi cho rằng: “Cho tới nay chính quyền Việt Nam vẫn dùng bạo lực đối phó với những người bất đồng quan điểm bằng cách đàn áp, bỏ tù, tra tấn hay quản thúc tại gia.”… và “Chính quyền cộng sản Việt Nam vi phạm trầm trọng quyền con người…”. Quang Nguyên cần biết rằng:

Một là, nhân quyền ở Việt Nam là nhân quyền xã hội chủ nghĩa, là nhân quyền văn minh và tiến bộ nhất. Nhân quyền về con người là một trong những thành quả của nền văn minh nhân loại, là giá trị lớn lao mà các quốc gia dân tộc có thể chia sẻ cùng tiến bộ. Dân tộc ta từ trong thế kỷ XX đã có những đóng góp lớn lao, mang tính đột phá về tư tưởng nhân quyền, thể hiện tập trung trong Tư tưởng Hồ Chí Minh và thực tiễn cách mạng do Đảng ta lãnh đạo. Trên bình diện nhân văn, nhân quyền về con người được xem là một phạm trù đạo đức. Hạt nhân của quan niệm này là sự tôn trọng nhân phẩm, và tinh thần nhân đạo, khoan dung đối với con người. Trên bình diện pháp lý, nhân quyền về con người là các nhu cầu, lợi ích (về vật chất và tinh thần) của tất cả mọi người – “không phân biệt chủng tộc, giới tính, tôn giáo… hoặc các điều kiện khác” được quy định trong pháp luật – được pháp luật bảo vệ. Trong tiến trình xây dựng nền văn minh, Việt Nam cũng như các quốc gia trên thế giới đều quản lý xã hội bằng công cụ pháp luật. Những đối tượng vi phạm pháp luật đều phải bị xử lý nghiêm khắc theo quy định của luật pháp. Trong bối cảnh hiện nay xuất hiện những đối tượng có mục đích đen tối, thiếu trách nhiệm với đất nước, với cộng đồng, cố tình lợi dụng quyền tự do, dân chủ để làm tổn hại lợi ích của Nhà nước và các tổ chức, cá nhân; thường xuyên sử dụng chiêu bài tự do, dân chủ, nhân quyền để chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Hai là, trên thực tế, ngay từ khi thành lập, Nhà nước Việt Nam luôn đặt quyền tự do, dân chủ, nhân quyền của công dân lên hàng đầu, và vấn đề này được quy định rõ trong Hiến pháp và pháp luật. Hiến pháp năm 2013 quy định nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi công dân một cách đầy đủ. Cụ thể tại Điều 15, Hiến pháp 2013 quy định rõ: Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân; mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác; công dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội; việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Công dân Việt Nam được đảm bảo về nhân quyền như tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do lập hội, quyền khiếu nại, tố cáo… Pháp luật tôn trọng và bảo vệ những tư tưởng, ý chí, nguyện vọng của mỗi tổ chức và cá nhân nếu phù hợp tinh thần xây dựng và thượng tôn pháp luật, phù hợp chuẩn mực đạo đức và truyền thống văn hóa của dân tộc. Đồng thời, nếu những tổ chức và cá nhân có mục đích xấu, động cơ không trong sáng, viện cớ về quyền tự do dân chủ, nhân quyền nhưng lại chà đạp lên quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân, xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước thì đều phải chịu các chế tài xử phạt tương ứng. Với cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm, ưu tiên phát triển con người và thúc đẩy bình đẳng trong các chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Việt Nam đã có những nỗ lực không mệt mỏi trong nhiều năm qua để thúc đẩy và bảo đảm nhân quyền. Nhiều thành tựu về bảo đảm quyền con người ở Việt Nam được các tổ chức của Liên hợp quốc đánh giá cao. Việt Nam xứng đáng với vai trò là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Thời gian qua, Việt Nam tích cực tham gia và chủ trì các nghị quyết đề cao Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền, biến đổi khí hậu và quyền con người… từ đó có nhiều đóng góp thiết thực đối với hoạt động của Liên hợp quốc. Việt Nam luôn cầu thị và nỗ lực làm tốt hơn trong vấn đề bảo đảm nhân quyền cho mọi người dân. Không có chuyện: Chính quyền Việt Nam vẫn dùng bạo lực đối phó với những người bất đồng quan điểm bằng cách đàn áp, bỏ tù, tra tấn hay quản thúc tại gia… như những lời Quang Nguyên bịa đặt.

Vì vậy, để không bị kẻ xấu dẫn dắt, tin nghe theo những luận điệu sai sự thật, mỗi người dân Việt Nam cần nâng cao nhận thức, tỉnh táo và cảnh giác trước những thông tin không chính thống xuyên tạc việc bảo đảm nhân quyền ở Việt Nam. Chủ động đấu tranh, ngăn chặn làm thất bại những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động./. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét