Thứ Hai, 8 tháng 4, 2024

TRONG QUAN HỆ DÂN TỘC Ở VIỆT NAM HIỆN NAY CẦN QUAN TÂM GIẢI QUYẾT NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN NÀO?

Thứ nhất, vấn đề nghèo đói, chênh lệch giàu nghèo. Tính đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm 55,27% trong tổng số hộ nghèo cả nước trong khi tỷ lệ dân số chỉ chiếm 14,6%; nhiều dân tộc thiểu số có tỷ lệ hộ nghèo trên 40% (gấp gần 8 lần cả nước). Vấn đề này ảnh hưởng đến quan hệ giữa các dân tộc, chính sách đại đoàn kết dân tộc,  tiềm ẩn gây mất ổn định xã chính trị - xã hội và tác động đến quốc phòng, an ninh.

           Thứ hai, vấn đề thiếu đất sản xuất. Hiện nay, có 68,5% hộ dân tộc thiểu số có nhu cầu cần thêm đất để sản xuất. Đây là một trong các vấn đề bức xúc nhất hiện nay, gây nguy cơ gia tăng mâu thuẫn giữa các dân tộc, giữa các dân tộc với các nông, lâm trường, các doanh nghiệp trên địa bàn.

           Thứ ba, tình trạng mai một văn hoá truyền thống. Nổi bật, là hiện tượng ngôn ngữ và bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số, nhất là những dân tộc ít người đã và đang bị mai một, ảnh hưởng của văn hóa dân tộc Kinh và của những dân tộc có dân số đông trong vùng gia tăng. Việc xác định lại thành phần dân tộc, nhóm dân tộc và tên gọi dân tộc ở nước ta cũng đang nảy sinh những vấn đề mới, phức tạp.   

           Thứ tư, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp. Hiện nay, có khoảng 6,2% lao động người dân tộc thiểu số được qua đào tạo (từ sơ cấp nghề trở lên), bằng 1/3 so với tỷ lệ trung bình của cả nước. Đây là vấn đề cần quan tâm giải quyết để bảo đảm bình đẳng dân tộc trên lĩnh vực chính trị và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị vùng dân tộc thiểu số.

           Thứ năm, các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật gia tăng, diễn biến phức tạp. Vùng dân tộc thiểu số ở nước ta đã và đang nảy sinh, gia tăng các tệ nạn xã hội và hiện tượng vi phạm pháp luật như trộm cắp, ma tuý, HIV, buôn lậu, gian lận thương mại... Những vấn đề đó gây nên các hậu quả xấu trong xã hội và quan hệ cộng đồng, gia đình, dòng họ; ảnh hưởng đến quan hệ nội bộ dân tộc và giữa các dân tộc trên địa bàn.

           Thứ sáu, hội nhập quốc tế đặt ra những vấn đề mới trong quan hệ dân tộc. Mối quan hệ đồng tộc, thân tộc liên, xuyên biên giới đang tiếp tục củng cố và phát triển với các hình thức mới trên nhiều lĩnh vực. Thực tiễn trên có tác động cả thuận lợi và khó khăn đối với nước ta.  Một bộ phận người Việt Nam định cư ở nước ngoài là người dân tộc thiểu số đã tham gia các tổ chức phản động, lôi kéo đồng bào trong nước phá hoại chính sách đại đoàn kết các dân tộc, kích động ly khai, “tự trị”. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét