Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2024

QUÂN ĐỘI THAM GIA THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH DÂN TỘC CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC TA HIỆN NAY THÔNG QUA NHỮNG HÌNH THỨC CƠ BẢN NÀO?

Tổ chức hoạt động dã ngoại làm công tác dân vận tham gia xây dựng cơ sở địa phương vùng dân tộc thiểu số. Hành quân dã ngoại kết hợp thực hiện công tác dân tộc là một trong các hình thức cơ bản hoạt động công tác dân vận của quân đội ở vùng miền núi và dân tộc thiểu số với số lượng cán bộ, chiến sĩ tham gia đông; có khả năng cơ động xa doanh trại và làm được nhiều công việc đòi hỏi nhân công lớn.Hình thức công tác này nhằm tạo điều kiện cho cán bộ chiến sĩ tiếp xúc với đồng bào các dân tộc, trực tiếp góp phần xây dựng cơ sở địa phương vững mạnh, bộ đội đến với đồng bào vùng sâu, vùng xa, địa bàn trọng điểm, biên giới nhằm tăng cường quan hệ quân dân, phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”.  

Tổ chức kết nghĩa giữa các đơn vị quân đội với địa phương vùng miền núi và dân tộc thiểu số. Đây là hình thức thực hiện công tác dân tộc và dân vận phổ biến thường được tiến hành ở địa bàn đơn vị đóng quân, tạo điều kiện giao lưu giúp đỡ lẫn nhau giữa đơn vị và địa phương. Trước hết, các đơn vị cần tiến hành khảo sát tình hình quan hệ dân tộc và mọi mặt của địa phương để xây dựng nội dung, chương trình kết nghĩa . Lãnh đạo, chỉ huy đơn vị tổ chức họp bàn với chính quyền địa phương để bàn bạc, thống nhất về kế hoạch và nội dung kết nghĩa. Từ đó, xây dựng nội dung hoạt động, chương trình, kế hoạch kết nghĩa và tổ chức lễ ký kết. Hoạt động công tác này phải có chương trình, kế hoạch, mục tiêu hoạt động cụ thể, rõ ràng được cả hai bên thống nhất, bảo đảm tính thiết thực, hiệu quả.

Tổ chức các tổ, đội công tác. Đây là một trong các hình thức dân vận cơ bản của quân đội để thực hiện chính sách dân tộc và công tác dân tộc ở những địa bàn chiến lược, trọng điểm, khu vực biên giới, hải đảo, được tổ chức theo hình thức chuyên ngành, liên ngành để thực hiện một nhiệm vụ cụ thể, trong một thời gian nhất định ở trên địa bàn theo yêu cầu nhiệm vụ trên giao. Các tổ đội công tác chuyên ngành được tổ chức để thực hiện nhiệm vụ nhất định theo kế hoạch của đơn vị, thường hoạt động ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa và được giao một số nhiệm vụ cụ thể nhằm giúp đỡ chính quyền và nhân dân các dân tộc.

Cử sĩ quan đi tăng cường cho cơ sở. Hình thức này, nhằm xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vùng dân tộc miền núi, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, hình thức tiến hành công tác này được làm thí điểm từ năm 1992 ở Quân khu 2 và áp dụng chủ yếu cho các đơn vị Bộ đội Biên phòng để tăng cường sĩ quan cho cơ sở, giúp địa phương vùng trọng điểm xây dựng cơ sở địa phương vững mạnh, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh. Nội dung hoạt động của cán bộ tăng cường cơ sở tập trung vào tuyên truyền vận động nhân dân; tham mưu giúp địa phương xây dựng, củng cố và xây dựng hệ thống chính trị (Có thể trực tiếp tham gia cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể địa phương); củng cố công tác quốc phòng, an ninh , xây dựng khu vực phòng thủ, tiến hành công tác quân sự quốc phòng địa phương; giúp phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội. Các đơn vị cần lựa chọn, bồi dưỡng cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, kỷ luật tác phong công tác tăng cường cho cơ sở; thường xuyên quản lý chặt chẽ về công tác này. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét