Dân tộc Hmông có tên gọi chính thức là Hmông, các tên
gọi khác như: Mẹo, Mèo, Miến Hạ, Mán Trắng. Họ có các nhóm địa phương là Hmông
Trắng, Hmông Hoa, Hmông Đỏ, Hmông Đen, Hmông Xanh, Na Miẻo. Hiện nay, dân số
Hmông ở nước ta có 1.068.215 người, cư trú chủ yếu ở vùng núi các
tỉnh phía Bắc, dọc biên giới Việt – Trung, Việt - Lào. Người Hmông vốn có nguồn
gốc lâu đời ở miền Nam Trung Quốc. Đồng bào di cư vào Việt Nam làm ba đợt, sớm
nhất cách đây khoảng 300 năm.
Dân tộc Hmông chủ yếu làm nương rẫy (định canh hoặc du
canh) và một phần ruộng bậc thang, chăn nuôi trâu bò, lợn gà, ngựa (thồ). Cây
trồng chính là ngô, lúa mạch, khoai, rau, lạc vừng, lanh, thuốc phiện, cây ăn
quả
Trong văn hóa ẩm thực, người Hmông ngày ăn hai bữa,
ngày mùa ăn ba bữa; mèn mén (bột ngô đồ), cơm canh là món truyền thống. Bột ngô
xúc bằng thìa gỗ, uống rượu, hút thuốc lá bằng điếu cày; mời khách chiếc điếu
do tự tay nạp thuốc là biểu hiện thiện cảm quý trọng.
Trang phục người Hmông khá sặc sỡ, đa dạng, mang đặc
điểm của các nhóm địa phương rõ rệt. Phụ nữ Hmông Hoa mặc áo thêu hoặc in hoa
văn bằng sáp ong, xẻ nách, trên vai và ngực đắp vải màu và thêu. Phụ nữ Hmông
Đen mặc váy vải Chàm, in hoa văn bằng sáp ong, áo xẻ ngực. Phụ nữ Hmông Trắng mặc
váy màu trắng, áo xẻ ngực, thiêu hoa văn ở cánh tay, yếm sao. Phụ nữ Hmông Xanh
mặc váy ống, nếu có chồng thì cuốn tóc lên đỉnh đầu, cài bằng lược móng ngựa, đội
khăn ra ngoài tạo thành hình như hai cái sừng. Trang phục đàn ông Hmông mặc quần
áo màu chàm, đội mũ nồi.
Mặc dù cư trú ở vùng cao nhưng người Hmông ở nhà trệt,
không làm nhà sàn. Nhà có ba gian, hai chái và thường có ba cửa, gian giữa đặt
bàn thờ. Lương thực cất trữ trên sàn gác, một số nơi có nhà kho. Bản làng Hmông
có nhiều dòng họ, trong đó có một đến hai họ lớn. Quan hệ làng bản được gắn bó
chặt chẽ qua thờ cúng chung thổ thần của bản, các sinh hoạt lễ tết, địa giới đất
đai. Những người Hmông cùng họ, có cùng tín ngưỡng tổ tiên, dù bất kỳ ở đâu
cũng coi nhau là anh em ruột thịt. Người trưởng họ có tiếng nói và vị trí quan
trọng đối với cả dòng tộc. Sự cố kết dòng họ không chỉ ở nơi cư trú mà còn mang
tính khu vực và xuyên quốc gia.
Người Hmông còn bảo lưu nhiều bản sắc tộc người thể hiện
ở nghi lễ vòng đời (sinh đẻ, cưới hỏi, tang ma, cúng vía…) rất khác biệt với
các dân tộc khác, các tập tục sinh hoạt gia đình, dòng họ, làng bản. Hàng năm,
các dòng họ đều tổ chức lễ cúng chung cả họ (sầu su, thi su), lễ cúng ma bản v.v… Đồng bào có tín ngưỡng đa thần,
ảnh hưởng từ Đạo giáo. Trong nhà có nhiều nơi linh thiêng dành riêng cho thờ
cúng tổ tiên, ma nhà, ma bếp, ma cửa, bàn thờ tổ sư nghề. Trước đây, tết năm mới
của người Hmông từ đầu tháng 12 theo cách tính lịch cổ truyền phù hợp với nông
lịch truyền thống, nay đã chuyển sang ăn tết Nguyên Đán. Ngày tết dân làng thường
chơi còn, thổi kèn, múa khèn, ca hát nhảy múa ở những bãi ruộng quanh làng.
Từng có nhà nước với lịch sử di cư lâu dài làm cho dân
tộc Hmông luôn hướng về thủ lĩnh và khát khao một thủ lĩnh tộc người. Chính những
điều đó tạo nên một niềm tin tiềm ẩn ở dân tộc này về một vị vua và tổ quốc
riêng của mình. Thực dân Pháp từng dựng lên “Vua Mèo” Vương Trí Sình ở Đồng Văn
- Hà Giang, đánh trúng vào tâm lý khát khao thủ lĩnh của người Hmông. Đế quốc Mỹ
cũng từng dùng con bài dân tộc Hmông trong cuộc chiến tranh Đông Dương, dựng nên
tướng phỉ Vàng Pao tại Lào. Gần đây, các thế lực thù địch tiếp tục lợi dụng một
bộ phận đồng bào Hmông để truyền đạo trái pháp luật, kích động “xưng vua”, chia
rẽ dân tộc, chống phá cách mạng nước ta.
Hiện nay, được sự quan tâm lớn của Đảng và Nhà nước, đời
sống kinh tế-xã hội của người Hmông có nhiều cải thiện. Đại đa số đồng bào tin
theo Đảng, Nhà nước, tích cực đóng góp sức mình vào công cuộc xây dựng quê
hương, đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét