Thứ Tư, 18 tháng 4, 2018

ĐỘC LẬP DÂN TỘC GẮN LIỀN VỚI CHỦ NGHĨA XÃ HỘI TRONG GIAI ĐOẠN MỚI THEO TINH THẦN ĐẠI HỘI XII CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

Tổng kết những bài học chủ yếu qua 30 năm đổi mới, Đảng ta đã nêu lên bài học đầu tiên là: “Trong quá trình đổi mới phải chủ động, không ngừng sáng tạo trên cơ sở kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, vận dụng kinh nghiệm quốc tế phù hợp với Việt Nam”. Đây là sự tổng kết sâu sắc về lịch sử và lý luận, “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt đường lối cách mạng nước ta, được thể hiện sâu sắc trong Cương lĩnh chính trị và các văn kiện đại hội Đảng. Bài học này vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mà văn kiện trình Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định.
Đường lối chính trị cơ bản, nhất quán trong toàn bộ cuộc cách mạng Việt Nam là đường lối giương cao đồng thời hai ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Có thể coi độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là hai mục tiêu đổi mới, hay có thể diễn đạt là một mục tiêu có hai mặt gắn bó hữu cơ với nhau. Mục tiêu này sẽ quy định con đường, hệ thống các giải pháp để đưa sự nghiệp đổi mới đến thắng lợi. Nắm vững mối quan hệ biện chứng giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vận dụng phù hợp trong từng thời kỳ lịch sử là một trong những nguyên nhân của thành tựu cách mạng nước ta. Trong giai đoạn cách mạng dân tộc - dân chủ, giải phóng dân tộc giành lấy độc lập tự do nổi lên là một mục tiêu trực tiếp, mới là định hướng phát triển của đất nước sau khi giải phóng nhưng đã đóng vai trò chi phối trong việc hoạch định chiến lược và sách lược, tổ chức lực lượng của công cuộc giải phóng dân tộc. Sau khi đất nước giành được độc lập và thống nhất, cách mạng Việt Nam bước vào giai đoạn mới, nhiệm vụ xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa trở thành nhiệm vụ trực tiếp, hàng đầu. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là mục tiêu độc lập dân tộc lùi xuống hàng thứ yếu. Năm 1986, trong bối cảnh cực kỳ khó khăn do chủ nghĩa xã hội trên thế giới lâm vào thoái trào, hệ thống xã hội chủ nghĩa đứng trước nguy cơ tan rã, khủng hoảng kinh tế - xã hội trong nước kéo dài; Đảng ta đã khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới, tạo ra một bước ngoặt mang ý nghĩa cách mạng cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.
 Thực tế trải qua 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, tạo ra thế và lực mới, nâng cao vị thế trên trường quốc tế. Có thể khẳng định các sự kiện trong những năm 1930, 1945, 1954, 1975, 1986 đã trở thành những cột mốc lịch sử quan trọng cho sự lựa chọn con đường chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Nó minh chứng con đường cách mạng giải phóng dân tộc do Đảng Cộng sản chân chính lãnh đạo tất yếu đi lên chủ nghĩa xã hội, độc lập dân tộc luôn gắn liền với chủ nghĩa xã hội là một tất yếu và là chân lý thời đại. Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc. Đúng như Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định: “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”.
Ngày nay, chúng ta đã giành được độc lập dân tộc, nhân dân có chính quyền nhưng vấn đề giữ chính quyền vẫn đang được đặt ra một cách thường xuyên vì có những thế lực thù địch đang muốn lật đổ chính quyền cách mạng, đặt lại ách nô dịch dưới những hình thức mới, bằng tất cả những thủ đoạn vũ trang và phi vũ trang. Chúng ta vẫn không loại trừ khả năng trước nguy cơ của ách nô lệ mới là phụ thuộc về kinh tế dẫn đến phụ thuộc về chính trị, vì các nước tư bản vẫn là những nước đang chiếm ưu thế về vốn và khoa học công nghệ hiện đại. Cần phải chỉ ra rằng thế giới ngày nay chưa phải là thế giới đại đồng, trong sân chơi toàn cầu hóa thì các nước tư bản lớn vẫn là nước được hưởng lợi. Các thế lực áp bức dân tộc vẫn tồn tại, chủ nghĩa thực dân chỉ thay đổi hình thức tinh vi và xảo quyệt hơn. Vì vậy, quan điểm chỉ nói một chiều xu hướng khách quan là toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng mở rộng, cho rằng khẩu hiệu độc lập dân tộc đã hết thời và không cần thiết. Cần phải phân tích như dự thảo Báo cáo chính trị, nêu lên dự báo tình hình thế giới những năm sắp tới: “Tình hình chính trị - an ninh thế giới thay đổi nhanh chóng, diễn biến rất phức tạp, khó lường; tình trạng xâm phạm chủ quyền quốc gia, tranh chấp lãnh thổ và tài nguyên, xung đột sắc tộc, tôn giáo, can thiệp lật đổ, khủng bố, chiến tranh mạng, chiến tranh cục bộ... tiếp tục diễn ra gay gắt ở nhiều khu vực”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét