Thứ Hai, 18 tháng 5, 2020

CHỦ NGHĨA DÂN TỘC LÀ GÌ?

Theo Chủ nghĩa cộng sản khoa học-Từ điển quan niệm: Chủ nghĩa dân tộc-tâm lý, hệ tư tưởng, thế giới quan và chính sách thích những dân tộc này hơn những dân tộc khác, tán dương dân tộc mình, gây căm thù dân tộc và thù hằn chủng tộc”. Theo đó, chủ nghĩa dân tộc có nhiều thứ, từ chủ nghĩa sôvanh phát xít trắng trợn cho đến chủ nghĩa dân tộc tinh tế được che đậy bằng những lời lẽ Marxist sáo rỗng. Nó là chủ nghĩa sôvanh nước lớn của một dân tộc đi áp bức và khinh miệt các dân tộc khác, lại cũng là chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi của dân tộc bị áp bức, biểu hiện trong khuynh hướng khép kín và không tin vào các dân tộc khác. Mặt trái của chủ nghĩa dân tộc là chủ nghĩa thế giới của bọn đế quốc, tuyên truyền cho việc hòa tan các dân tộc và các sắc tộc vào trong các dân tộc “kiểu mẫu” (các dân tộc thống trị).
Về nguồn gốc và bản chất của chủ nghĩa dân tộc. Các quan hệ tư hữu và bóc lột đẻ ra chủ nghĩa dân tộc. Những đại diện của nó là giai cấp tư sản và tiểu tư sản. Chủ nghĩa dân tộc xa lạ với bản chất của giai cấp vô sản là giai cấp đại diện cho chủ nghĩa quốc tế. Về bản chất, chủ nghĩa dân tộc là thù địch với chủ nghĩa xã hội (CNXH), với thế giới quan Marxist-Leninist, nó mâu thuẫn với quá trình khách quan của sự phát triển và sự xích lại gần nhau của các dân tộc xã hội chủ nghĩa (XHCN).
Về thái độ của người cộng sản chân chính đối với chủ nghĩa dân tộc. Đấu tranh chống chủ nghĩa dân tộc cũng là một tất yếu khách quan của cách mạng XHCN, của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế; là sự bảo đảm thắng lợi cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của các dân tộc bị áp bức. Đúng như Lênin đã chỉ rõ, cuộc đấu tranh chống những thành kiến dân tộc chủ nghĩa “càng có ý nghĩa trọng đại khi vấn đề chuyển nền chuyên chính vô sản từ phạm vi quốc gia (tức là mới tồn tại ở trong một nước và không có khả năng quyết định được chính trị thế giới) thành chuyên chính vô sản trên quy mô quốc tế (tức là chuyên chính vô sản ít nhất cũng ở một số nước tiên tiến và có khả năng tác động quyết định đến toàn bộ chính trị thế giới), ngày càng trở nên bức thiết”.
Tìm đáp án câu hỏi “Chủ nghĩa dân tộc là gì?” ở trên và đối chiếu với trả lời nhà báo quốc tế vào tháng 12-1965 của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nói rằng lúc còn thanh niên, tôi theo “chủ nghĩa dân tộc”, có lẽ không đúng. Vì hồi đó tôi chỉ biết thương đồng bào tôi, chứ chưa biết “chủ nghĩa” gì cả. Khi đi sang châu Phi, tôi thấy nhân dân thuộc địa ở đây cũng cực khổ, cũng bị áp bức, bóc lột như nhân dân Đông Dương. Khi sang các nước châu Âu, tôi thấy ở đó cũng có một số người rất giàu, “ngồi mát ăn bát vàng”, và lớp người nhân dân lao động rất nghèo khổ. Tôi suy nghĩ nhiều lắm. Trong lúc đó thì Cách mạng Tháng Mười vĩ đại thành công ở Nga. Lênin tổ chức Quốc tế Cộng sản. Rồi Lênin phát biểu Luận cương cách mạng thuộc địa. Những việc đó làm cho tôi thấy rằng: Nhân dân lao động Đông Dương, nhân dân các thuộc địa và nhân dân lao động muốn tự giải phóng thì phải đoàn kết lại và làm cách mạng. Vì vậy, tôi trở nên người theo Chủ nghĩa Mác-Lênin” là luận cứ khoa học quan trọng nhằm bác bỏ luận điệu sai trái: Hồ Chí Minh là người theo chủ nghĩa dân tộc khi họ đồng nhất “chủ nghĩa dân tộc” trong tư tưởng Hồ Chí Minh là chủ nghĩa dân tộc sôvanh, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, mang bản chất của giai cấp tư sản. Về vấn đề này, không ai khác và hơn ai hết, Hồ Chí Minh là người kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa dân tộc tư sản; vì vậy, tán thành bản Tuyên bố của Hội nghị đại biểu các Đảng cộng sản và công nhân các nước XHCN, họp ở Moscow từ ngày 14 đến 16-11-1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Bản Tuyên bố nhắc nhở chúng ta cần phải tăng cường giáo dục theo tinh thần Chủ nghĩa Mác-Lênin và đấu tranh chống những khuynh hướng cơ hội chủ nghĩa như chủ nghĩa dân tộc tư sản, chủ nghĩa sôvanh, chủ nghĩa giáo điều và chủ nghĩa xét lại, đặc biệt là chủ nghĩa xét lại”.

2 nhận xét:

  1. Cần phải đấu tranh chống những khuynh hướng cơ hội chủ nghĩa như chủ nghĩa dân tộc tư sản, chủ nghĩa giáo điều và chủ nghĩa xét lại, đặc biệt là chủ nghĩa xét lại

    Trả lờiXóa