Thứ Sáu, 8 tháng 5, 2020

“LỢI ÍCH NHÓM" VÀ TÁC ĐỘNG TIÊU CỰC

“Lợi ích nhóm”/ “nhóm lợi ích” thường liên quan đến người có chức, có quyền khi có sự kết hợp cùng mục tiêu lợi ích, cùng hành động và cùng phân chia lợi ích. Hiểu nguyên nghĩa, thì “đó là lợi ích của một nhóm người gắn kết với nhau, hỗ trợ, móc ngoặc với nhau, giúp đỡ lẫn nhau để cùng nhau có lợi ích và bảo vệ lợi ích đó”. “Lợi ích nhóm”/ “nhóm lợi ích” kiểu này được hình thành trên cơ sở cùng mục tiêu trục lợi, kiếm chác, tham nhũng; lợi dụng sơ hở của các quy định để tạo các mối quan hệ nhằm móc nối kiếm lợi bất chính cho cá nhân và nhóm mình, bất chấp nhân phẩm, đạo đức, pháp luật.
Sinh thời, trong một số bài viết, bài nói của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuy chưa sử dụng khái niệm “lợi ích nhóm”/ “nhóm lợi ích”, nhưng nội hàm của nó được hiểu là óc địa phương, óc bè phái, địa phương chủ nghĩa, cánh hẩu… và Người cũng cảnh báo, từ khi trở thành Đảng cầm quyền, những vấn nạn này ngày càng phát triển tại các cơ quan công quyền. Cụ thể, theo Người: óc địa phương “là vì cận thị, không xem xét toàn thể. Không hiểu rằng lợi ích nhỏ phải phục tùng lợi ích to, ích lợi bộ phận phải phục tùng ích lợi toàn thể”; óc bè phái là “ai hợp với mình thì dù người xấu cũng cho là tốt, việc dở cũng cho là hay, rồi che đậy cho nhau, ủng hộ lẫn nhau. Ai không hợp với mình thì người tốt cũng cho là xấu, việc hay cũng cho là dở, rồi tìm cách gièm pha, nói xấu, tìm cách dìm người đó xuống, họ phải mấy cũng không nghe”; địa phương chủ nghĩa là “chỉ chăm chú lợi ích của địa phương mình mà không nhìn đến lợi ích của toàn bộ”; cánh hẩu là: “Ham dùng người bà con, anh em quen biết, bầu bạn… Ham dùng những kẻ khéo nịnh hót mình… Ham dùng nhữngngười tính tình hợp với mình”,v.v.. Những tệ nạn này không chỉ làm “hỏng cả công việc của Đảng” mà còn làm mất đi sự liêm khiết, công bình, chính trực, chí công vô tư của các cơ quan công quyền trong hệ thống chính trị.
Về vấn đề này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ, “lợi ích nhóm” ban đầu chỉ đơn giản là lợi ích cục bộ, móc ngoặc với nhau theo kiểu “ông mất chân giò, bà thò chai rượu”, chung nhau làm ăn, đôi bên cùng có lợi. Nhưng rồi, cùng với thời gian, lợi ích cục bộ đó bây giờ không chỉ dừng lại ở quan hệ giữa hai bên, hai người mà đã thành “sự ăn cánh”, “đường dây” của một nhóm người mưu lợi ích riêng, làm hại lợi ích chung.
Cụ thể và chi tiết hơn, theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” (Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII), “lợi ích nhóm”: 1) Diễn ra trong quá trình hoạch định, ban hành và thực thi chính sách về kinh tế - xã hội như quyết định hoặc tổ chức thực hiện gây lãng phí, thất thoát tài chính, tài sản, ngân sách nhà nước, đất đai, tài nguyên; trong đầu tư công, quản lý và sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản, tài chính, ngân hàng; tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi; lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực. 2) Thao túng trong công tác cán bộ; chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội... Sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi…3) Càng về cuối nhiệm kỳ, những người thuộc “nhóm lợi ích” thường chỉ tập trung giải quyết những vấn đề ngắn hạn trước mắt, có lợi cho mình, nhóm mình; tranh thủ bổ nhiệm người thân, người quen, người nhà dù không đủ tiêu chuẩn, điều kiện giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc bố trí, sắp xếp vào vị trí có nhiều lợi ích...
Tất cả những những biểu hiện này đều “tác động tiêu cực đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội trên các phạm vi khác nhau”, làm kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế, gây suy đồi về văn hóa, đạo đức xã hội và làm mất niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Đồng thời, dưới tác động của nền kinh tế thị trường, “lợi ích nhóm” cũng làm cho sự suy thoái đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên diễn ra nhanh hơn; trong đó, lối sống trung thực, chính trực bị lối sống thực dụng “nịnh trên nẹt dưới”, chạy theo đồng tiền, sử dụng đồng tiền trong các mối quan hệ để mua bán, đổi chác quyền lợi và danh vọng ngày càng lấn át. Tệ hối lộ, lại quả, “tham nhũng vặt” đã trở nên quen thuộc và xa hơn nữa là những phi vụ làm ăn mờ ám, béo bở, những đường dây chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch lan rộng đã thúc đẩy sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Đi liền cùng đó, “lợi ích nhóm” đã làm cho một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên sống thiếu lý tưởng, hoài nghi vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn, thậm chí thờ ơ, bàng quan trước những thay đổi về đời sống chính trị thế giới và trong nước, vô cảm trước tâm tư, nguyện vọng, đòi hỏi bức xúc của nhân dân; xuyên tạc, phủ nhận, đòi xét lại chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; dẫn đến nhiều địa phương, nhiều cấp ủy không thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, làm trái với nguyên tắc, Điều lệ, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hình thành bè cánh, phe phái trong Đảng, phá vỡ sự đoàn kết thống nhất trong tổ chức, làm suy giảm năng lực lãnh đạo và chiến đấu của tổ chức Đảng, của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

2 nhận xét:

  1. Lợi ích nhóm là lợi ích cho nhóm, cho một số người; chứ không phải vì tập thể; do đó chúng ta phải đấu tranh loại bỏ lợi ích nhóm

    Trả lờiXóa