Thứ Sáu, 15 tháng 5, 2020

VẤN ĐỀ ĐẶT RA ĐỐI VỚI VIỆC BỒI DƯỠNG, GIÁO DỤC THẾ HỆ TRẺ HIỆN NAY

Bên cạnh những thuận lợi và thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của quá trình đổi mới, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của đất nước, chúng ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Một bộ phận giới trẻ bị mất phương hướng; sống thiếu lý tưởng; lười học tập, lười lao động; ham chơi, đua đòi, ích kỷ; đề cao lối sống hưởng thụ; thiếu trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội... Chính vì thế, nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước gắn với việc bồi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ hiện nay, nhằm giúp họ dần miễn dịch trước những tác động tiêu cực từ mặt trái của xã hội là công việc đặc biệt quan trọng.
Trước hết, cần xác định và thống nhất nhận thức: Thế hệ trẻ là lực lượng xã hội to lớn, một trong những nhân tố quan trọng quyết định tương lai, vận mệnh dân tộc; là lực lượng chủ yếu đảm nhiệm trên nhiều lĩnh vực, nhiều công việc khó khăn, gian khổ đòi hỏi sự cống hiến và sáng tạo. 
Trong sự nghiệp công nghiệp hóa (CNH), hiện đại hóa (HĐH) đất nước, Đảng, Nhà nước ta luôn xác định và đề cao vị trí, vai trò, tầm quan trọng của thế hệ trẻ đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH” nêu rõ: “Thanh niên là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội”(12). 
Việc bồi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ phải gắn liền, toàn diện với thi đua yêu nước, trong đó cần chú trọng vào các mặt: Đạo đức cách mạng, giác ngộ chủ nghĩa xã hội, văn hóa, kỹ thuật, lao động và sản xuất. Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng giáo dục đạo đức, xem đó là nền tảng của con người cách mạng. 
Việc giáo dục lý tưởng cho thế hệ trẻ cần coi trọng nội dung dạy cho họ biết yêu nước thương nòi, biết tự lực tự cường; nhận thức đúng đắn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; xây dựng niềm tin ở tương lai của đất nước, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng; giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin; giáo dục tình yêu lao động, có thái độ trân trọng đối với người lao động,…
Tích cực đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp bồi dưỡng, giáo dục cho thế hệ trẻ. Đặc biệt coi trọng kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, lý luận đi kèm với thực tiễn, giảng đường gắn liền với cuộc sống và thực tiễn xã hội. Đề cao, khơi dậy tính tích cực, sáng tạo của thế hệ trẻ. 
Thường xuyên quán triệt, tổ chức và đẩy mạnh các hoạt động, phong trào thi đua cho thế hệ trẻ thông qua những hành động, việc làm thiết thực, trước hết là từ những công việc hàng ngày như: Thi đua trong học tập, lao động sản xuất, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, thực hành tiết kiệm; chống bệnh ham chuộng hình thức, thiếu thực tế, bệnh cá nhân, tự tư, tự lợi, xem khinh lao động, lười biếng, lãng phí, kiêu ngạo, giả dối…
Bồi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ là một công việc quan trọng, lâu dài, cần phải tiến hành thường xuyên, có kế hoạch, biện pháp cụ thể, rõ ràng; chú ý việc sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm để kịp thời phát huy, nhân rộng ưu điểm, cách làm hay, khắc phục khuyết điểm, hạn chế trong phương hướng, biện pháp thực hiện giai đoạn tiếp theo. 
Tóm lại, nghiên cứu, học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước gắn với bồi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ trong giai đoạn hiện nay là một nhiệm vụ quan trọng nhằm củng cố, bồi dưỡng niềm tin, lý tưởng xã hội chủ nghĩa; khơi dậy và phát huy tinh thần yêu nước, thi đua trong học tập, lao động…; tạo sức đề kháng, miễn dịch trước những tác động tiêu cực của xã hội, đặc biệt là trước âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” mà các thế lực thù địch, phản động đã và đang “ưu tiên” hướng tới thế hệ trẻ Việt Nam./.

2 nhận xét:

  1. Trong giai đoạn hiện nay, việc bồi dưỡng, giáo dục nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm cho thế hệ trẻ là cực kỳ quan trọng

    Trả lờiXóa