Thứ Ba, 19 tháng 5, 2020

SỰ THẬT LỊCH SỬ BÁC BỎ MỌI LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ ĐỘC LẬP DÂN TỘC GẮN LIỀN VỚI CHỦ NGHĨA XÃ HỘI

Tuyên truyền xuyên tạc, bôi nhọ thân thế, sự nghiệp của lãnh tụ Hồ Chí Minh là một trong những chiêu trò của các thế lực thù địch, phản động đối với Việt Nam, trong đó, chúng đặc biệt tập trung xuyên tạc tư tưởng của Người về mục tiêu độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội (CNXH). Tuy nhiên, sự thật lịch sử đã bác bỏ hoàn toàn những luận điệu, động cơ và mục đích đen tối đó.
Trên không gian mạng, các thế lực thù địch, phản động xuyên tạc, bịa đặt rằng Hồ Chí Minh không vì lợi ích của dân tộc, lợi ích của nhân dân mà chỉ vì “lợi ích của Đảng”, của “ý thức hệ”… Động cơ của chúng không có gì khác là nhằm hạ bệ thần tượng Hồ Chí Minh, làm suy giảm lòng tin của nhân dân vào Đảng Cộng sản Việt Nam, phủ nhận thành quả và con đường đi lên CNXH của dân tộc ta.
Luận điệu trên không mới nhưng chúng “nhai đi nhai lại” theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” với toan tính: dù là thông tin giả nhưng nói mãi người nghe sẽ tin là thật, không có nhưng nghe nhiều sẽ cho là có. Chiêu trò này không phải bây giờ mới xuất hiện, ngay từ đại chiến thế giới thứ nhất, trùm phát xít Hitler đã đưa ra “Thuyết nói dối” với câu nói mà nhân loại không thể quên là: “Khi bạn nói dối đủ lớn và đủ nhiều thì đám đông tin đó là sự thật”. Tất cả những chiêu trò ấy dù tinh vi đến đâu cũng không thể lừa bịp được nhân dân Việt Nam.
Quyết định làm phụ bếp trên chiếc tàu của Pháp ở bến cảng Nhà Rồng khởi đầu cuộc hành trình ra đi tìm con đường cứu nước, cứu dân không chỉ mang ý nghĩa sâu sắc trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Tất Thành mà còn là dấu mốc lịch sử của dân tộc Việt Nam. Cần khẳng định rằng Nguyễn Tất Thành ra đi không phải vì lợi ích cho riêng mình hay lợi ích cho nhóm người nào. Động cơ, mục đích không gì khác là tìm con đường giải phóng dân tộc, cứu nước, cứu dân.
Những năm bôn ba ở nước ngoài từ Á sang Âu, Phi, Mỹ đã giúp Nguyễn Tất Thành dần tìm ra lời giải cho một câu hỏi lớn: Lựa chọn con đường nào để giành độc lập dân tộc, cứu nước, cứu dân? Với hành trình tới nhiều quốc gia, Nguyễn Tất Thành đã nhận thức và khám phá được nhiều điều mới mẻ, đặc biệt là về cách mạng tư sản (CMTS) và bản chất của chủ nghĩa tư bản (CNTB). Đó là cuộc cách mạng tuy có tiến bộ  nhưng chưa triệt để, vì  sau CMTS, quần chúng nhân dân vẫn bị áp bức, bóc lột, cuộc sống vẫn đói khổ và vẫn muốn làm cuộc cách mạng mới. Điều này, chứng tỏ lúc đó Nguyễn Tất Thành đã suy nghĩ về một cuộc cách mạng kiểu mới bỏ qua chế độ TBCN tiến thẳng lên một chế độ mới mà ở đó độc lập dân tộc được bảo đảm, người dân không còn bị áp bức, bóc lột, cuộc sống ấm no, tự do và hạnh phúc.
Chiến tranh thế giới lần thứ nhất kết thúc. Các nước thắng trận và bại trận họp Hội nghị tại Versailles (Pháp) ngày 28-6-1919 để ký kết các hòa ước và phân chia quyền lợi. Khi hoạt động tại Pháp, Nguyễn Tất Thành tham gia tổ chức Hội những người Việt Nam yêu nước. Đại diện cho tổ chức này, Nguyễn Tất Thành tới dự Hội nghị Versailles và gửi các đại biểu Bản yêu sách của nhân dân An Nam gồm 8 điểm do  chính Người lấy tên là Nguyễn Ái Quốc soạn thảo. Mặc dù không được xem xét nhưng Bản yêu sách đã gây xôn xao dư luận Pháp ở chính quốc và Đông Dương. Từ đây, người ta bắt đầu biết đến và theo dõi hoạt động của Nguyễn Ái Quốc.
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 thành công, mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử loài người  - thời kỳ quá độ từ CNTB lên CNXH trên phạm vi thế giới. Vào tháng 7-1920, qua Báo Nhân đạo của Đảng Xã hội Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã được nghiên cứu tác phẩm Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V. I. Lênin. Đây là một dấu mốc rất quan trọng trong hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc.  Luận cương của Lênin đã tạo ra một sự chuyển biến căn bản trong tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc - từ nhận thức của người yêu nước, chuyển sang nhận thức của người cộng sản. 
 Gần 6 năm hoạt động tại Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã để lại những ấn tượng rất sâu sắc về một thanh niên Việt Nam luôn đau đáu nghĩ đến dân tộc, nghĩ đến nhân dân.  Qua những bài báo viết vào giai đoạn này đã thể hiện rõ quan điểm về độc lập dân tộc, xây dựng một chế độ xã hội mới của Nguyễn Ái Quốc. Cuối năm 1923, Nguyễn Ái Quốc đến đất nước Xô Viết - quê hương của Cách mạng Tháng Mười. Đến với Chủ nghĩa Mác - Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã nhận ra chân lý thời đại: Chỉ có CNXH, CNCS mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ.
Có thể thấy dù đã manh nha trong tư duy nhưng đến những năm 20 của thế kỷ XX, tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với CNXH mới chính thức hình thành và phát triển. Sau sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3-2-1930, tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường cách mạng độc lập dân tộc gắn liền với CNXH bắt đầu được thể hiện rõ nét vào điều kiện cụ thể Việt Nam. Tư tưởng ấy đã trở thành ngọn cờ dẫn dắt dân tộc Việt Nam liên tục giành những thắng lợi to lớn trong suốt hơn 90 năm qua.
Nguồn: tuyengiao.vn

2 nhận xét:

  1. Tất cả những luận điệu xuyên tạc sẽ bị sự thật lịch sử bác bỏ và dư luận phản đối

    Trả lờiXóa
  2. Mọi luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch đều có âm mưu xấu xa, thâm độc kèm theo. Vì vậy chúng ta phải cảnh giác và đấu tranh chống lại những luận điệu xuyên tạc của bọn chúng.

    Trả lờiXóa