Trong gần 4 thập niên
đổi mới, Việt Nam đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong bảo vệ quyền con
người. Tuy vậy, các thế lực thù địch, phản động luôn tìm mọi cách xuyên tạc
thành tựu bảo đảm quyền con người ở Việt Nam, hòng chống phá sự nghiệp xây dựng
và bảo vệ Tổ quốc của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Do đó, việc nhận diện, phản
bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động là
nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng, góp phần bảo đảm ổn định và sự phát triển bền vững
của đất nước. Nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng
của Đảng, đấu tranh phản bác âm mưu, thủ đoạn lợi dụng quyền con người của các
thế lực thù địch, phản động, cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:
Một là, tuyên truyền,
giáo dục, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân
dân. Nhằm bảo vệ và thúc đẩy quyền con người hiệu quả trên thực tế, điều kiện đầu
tiên là cán bộ, đảng viên và nhân dân phải nắm vững chủ trương, quan điểm của Đảng
và Nhà nước về quyền con người. Cần tạo sự chuyển biến trong nhận thức về quyền
con người qua các kênh tuyên truyền và giáo dục, qua đó, những âm mưu, thủ đoạn
và hoạt động lợi dụng, xuyên tạc của các thế lực thù địch về thành tựu bảo đảm
quyền con người, xâm phạm đến quyền con người, đến lợi ích của nhân dân Việt
Nam dễ được nhận diện và có căn cứ để đấu tranh, phản bác hiệu quả. Thông qua
công tác tuyên truyền, giáo dục, không ngừng củng cố nhận thức chính trị cho đội
ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân, tự giác, tích cực tham gia phòng ngừa, đấu
tranh, giữ vững “thế trận lòng dân”, có khả năng nhận diện và “tự miễn dịch”
trước các thông tin xấu, độc. Tăng cường và nâng cao hiệu quả phong trào toàn
dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, thực hiện mỗi cán bộ, đảng viên một là chiến
sĩ trên mặt trận bảo vệ nền tảng tư tưởng; thực hành phát huy dân chủ và quyền
con người.
Hai là, đẩy mạnh phát
triển kinh tế, xã hội, xóa đói, giảm nghèo, coi trọng và thúc đẩy các quyền con
người, coi con người là mục tiêu và động lực của mọi chính sách phát triển kinh
tế - xã hội, “đưa lực lượng sản xuất phát triển ngày càng nhanh chóng và tiến
lên hiện đại là yêu cầu cơ bản và cấp bách để thực hiện có hiệu quả chiến lược
con người”. Làm cho nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc là một trong những
minh chứng sinh động, thuyết phục nhất để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng,
bác bỏ những luận điệu xuyên tạc, vô căn cứ của các thế lực thù địch về thành tựu
bảo đảm quyền con người ở Việt Nam. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chương
trình kinh tế - xã hội nhằm hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng kinh tế, bảo đảm
ngày càng tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Đồng thời, thực
hiện tốt chính sách an sinh xã hội, chính sách đối với người có công với cách mạng;
quan tâm đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động vùng đồng bào
dân tộc thiểu số. Các chính sách cần chú trọng đúng mức đến các quan điểm và
nguyện vọng của các nhóm xã hội.
Ba
là, tiếp tục hoàn thiện chính sách xã hội, pháp luật về quyền con người, trong
đó, con người là trung tâm, là chủ thể, là động lực và là mục tiêu của sự phát
triển và tiến bộ xã hội. Mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ
cuộc sống, phù hợp với nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của người dân,
phấn đấu vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân. Tiếp tục củng cố hệ thống các quyền
con người, quyền công dân đã được hiến định, để mọi người dân đều được hưởng thụ
các thành quả phát triển kinh tế, xã hội của đất nước một cách công bằng thông
qua việc được tiếp cận các cơ hội bình đẳng và phù hợp, bảo đảm sự tương thích
với các nguyên tắc, tiêu chuẩn pháp luật quốc tế về quyền con người. Việc hoàn
thiện pháp luật đó cũng là kiến tạo cơ sở pháp lý và chính trị cho mọi hoạt động
khác vì sự phát triển của con người Việt Nam. Bên cạnh đó, Nhà nước cần hoàn
thiện cơ chế pháp lý thực hiện, giám sát thực hiện và xử lý các vi phạm quyền
con người để bảo đảm tất cả quyền con người đều được tôn trọng, bảo đảm trong
thực tế.
Bốn là, mở rộng quan
hệ quốc tế trong nghiên cứu và thực thi quyền con người. Việc bảo vệ quyền con
người ở các quốc gia được coi như một điều kiện quan trọng trong quá trình hợp
tác quốc tế hiện nay. Do đó, trong nhận thức và giải quyết vấn đề quyền con người,
cần quán triệt nguyên tắc thống nhất tính phổ biến và tính đặc thù của quyền
con người khi xem xét những vấn đề thực tiễn về quyền con người.
Việc thực hiện dân chủ và quyền con
người còn tùy thuộc vào nhiều điều kiện, trước hết là trình độ phát triển kinh
tế và điều kiện cụ thể của mỗi nước, mỗi dân tộc trên tất cả các phương diện của
đời sống. Các nước có chế độ chính trị khác nhau, trình độ phát triển khác
nhau, không thể lấy quan niệm, thực tiễn của nước này, của dân tộc này về dân
chủ và quyền con người áp đặt cho dân tộc khác, nước khác. Do đó, xây dựng và
thúc đẩy đối thoại trên lĩnh vực dân chủ, quyền con người có ý nghĩa tích cực,
góp phần nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau, từng bước thu hẹp bất đồng với các đối
tác quốc tế trong vấn đề quyền con người. Qua đối thoại cũng nhằm bác bỏ những
thông tin sai lệch, luận điệu xuyên tạc, bịa đặt của các nhóm, cá nhân cực đoan
trong và ngoài nước về tình hình quyền con người ở Việt Nam. Bên cạnh việc thực
hiện cơ chế đối thoại chính thức với các nước, cần chủ động và tích cực đăng
cai tổ chức các hội thảo quốc tế để các nhà chính trị và các nhà khoa học tham
dự và thảo luận về các vấn đề liên quan đến quyền con người.
“Nước ta là nước dân chủ, bao nhiêu lợi
ích là vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân”, tôn trọng và bảo đảm quyền con
người là quan điểm nhất quán và xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta. Quyền con
người luôn là quyền cơ bản và quan trọng nhất, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế
độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Do đó, nhận diện, vạch trần và kiên quyết đấu
tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch về thành tựu bảo đảm quyền con
người có ý nghĩa quan trọng, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo đảm
ổn định và sự phát triển bền vững của Việt Nam hiện nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét