Những luận điểm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về
KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam được thể hiện một cách toàn diện và sâu sắc
trên các mặt, các khía cạnh, thể hiện bản chất ưu việt của nền KTTT định hướng
XHCN. Qua đó, khẳng định một cách thuyết phục Việt Nam lựa chọn mô hình KTTT định
hướng XHCN là đúng đắn, phù hợp với mục tiêu, con đường phát triển của đất nước,
là sự sáng tạo mang tính đột phá về lý luận của Đảng ta.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Đưa ra quan
niệm phát triển KTTT định hướng XHCN là “một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng
tạo của Đảng ta, là thành quả lý luận quan trọng qua hơn 35 năm thực hiện đường
lối đổi mới, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm
của thế giới”.
Theo Tổng Bí thư, KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam là
nền KTTT hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật
của KTTT, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN, do ĐCSVN lãnh đạo; bảo đảm
định hướng XHCN, nhằm thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng,
văn minh”.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, đó là kiểu kinh tế thị trường
mới trong lịch sử quá trình phát triển của KTTT; một kiểu tổ chức kinh tế vừa
tuân theo những quy luật của KTTT, vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối
bởi các nguyên tắc và bản chất của CNXH ở ba phương diện: sở hữu, tổ chức quản
lý và phân phối. Trong nền KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam còn nhiều hình thức
sở hữu, nhiều thành phần kinh tế đan xen tồn tại trong một thể thống nhất, cùng
hợp tác và phát triển. Các thành phần kinh tế là những bộ phận hữu cơ của nền
kinh tế và hoạt động bình đẳng trước pháp luật.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luận giải các đặc trưng
cơ bản, thể hiện tính ưu việt của nền KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam, đó là gắn
phát triển kinh tế với phát triển xã hội, “gắn kinh tế với xã hội, thống nhất
chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực
hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong
suốt quá trình phát triển”. Đó là xây dựng một nền kinh tế mà trong chính sách
phát triển kinh tế đều hướng tới phát triển các mặt của đời sống xã hội và ngược
lại trong chính sách phát triển xã hội đều nhằm tạo ra động lực phát triển kinh
tế. Khuyến khích làm giàu chính đáng, hợp pháp gắn với xóa đói, giảm nghèo bền
vững, thực hiện tốt các chính sách xã hội, chăm sóc người có công với cách mạng.
Điều đó có nghĩa, không chờ đến khi kinh tế phát triển cao rồi mới thực hiện tiến
bộ và công bằng xã hội, càng không phát triển kinh tế bằng mọi giá, không “hy
sinh” tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế. Đây là một
yêu cầu có tính nguyên tắc để bảo đảm sự phát triển lành mạnh, bền vững, theo định
hướng XHCN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét