Vụ nhóm đối tượng dùng súng tấn công trụ sở UBND xã Ea Tiêu, Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk vào rạng sáng 11/6 đã gây ra tổn thất nghiêm trọng về người và ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự tại địa phương. Sáng ngày 13/6, lễ truy điệu, trao Bằng Tổ quốc ghi công cho 6 cán bộ, chiến sĩ hy sinh đã diễn ra trong nỗi tiếc thương vô hạn của đồng đội, người thân và cán bộ, nhân dân. Ngay sau khi xảy ra sự việc, trên mạng xã hội đã xuất hiện nhiều thông tin không đúng sự thật. Nhiều thông tin, hình ảnh, video được chỉnh sửa, cắt ghép được tung ra, những video kèm lời bình khiếm nhã đã gây ra sự hoang mang trong dư luận. Thậm chí, nhiều cá nhân, tổ chức còn cố tình giật tít gây sốc bằng những ngôn từ mang tính kích động, tạo ra sự hiểu nhầm và ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình thực thi nhiệm vụ của các cơ quan chức năng.
Nhiều cá nhân, tổ chức phản động tìm cách
hướng lái vụ việc, tạo những giả thuyết sai lệch nhằm hướng lái dư luận chỉ
trích chính quyền địa phương. Điển hình như tổ chức khủng bố Việt Tân dùng
chiêu bài “bẻ lái” dư luận bằng thông tin cho rằng, nguyên nhân xuất phát từ
việc “chính quyền cưỡng chế đất của người dân Cư Kuin”. Ngày 13/6, trên trang
mạng xã hội của tổ chức này đăng tải một video với thủ thuật cắt ghép, giật tít
đầy tính kích động: “Cận cảnh Cảnh sát cơ động đàn áp chiếm đất của người
Thượng ở Đắk Lắk để giao đất dự án cho doanh nghiệp"?
Trang “Nhật Ký yêu nước”, một trong những trang mạng chống phá
Nhà nước đã xuyên tạc vụ việc, cho rằng nguyên nhân dẫn đến các đối tượng tấn
công trụ sở, giết người là do “Cưỡng chế thu hồi đất và giải phóng mặt bằng
thực hiện Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông thành phố Buôn Ma
Thuột”.
Để hướng lái, tạo “độ tin cậy”, các đối tượng còn sao chụp thông
tin, hình ảnh từ một vài bài báo khác có liên quan vấn đề đất đai ở địa phương,
từ đó đặt những câu hỏi mang tính mỉa mai, miệt thị kiểu “tức nước vỡ bờ”, “khi
người dân bị dồn đường cùng”? Nguyễn Văn Đài – đối tượng ở hải ngoại thường
xuyên có các bài viết xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước cũng nhân dịp này “té
nước theo mưa”, đăng tải thông tin kích động trên trang cá nhân của mình. Đài
bịa đặt trắng trợn rằng: “Không cam chịu sự cai trị bất công và độc ác của
đảng, chế độ và nhà cầm quyền độc tài Cộng sản Việt Nam, người dân Tây Nguyên
đã đứng lên khởi nghĩa”?
Trước các luận điệu sai sự thật, xuyên tạc sau vụ tấn công hai
trụ sở UBND xã Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, một số cá nhân
thiếu hiểu biết cũng hùa theo, có những bình luận sai trái hoặc đặt những câu
hỏi trên trang Facebook nhằm gây sự nghi ngờ, hoang mang. Những tin đồn, luận
điệu sai trái trên mạng xã hội, các đối tượng tung ra nhằm làm cho người dân lo
lắng, làm đảo lộn cuộc sống, gây ra nhiều hệ lụy trong các hoạt động sản xuất,
kinh doanh, làm bất ổn đến tình hình an ninh, chính trị trên địa bàn. Đồng
thời, các thông tin do các cá nhân, tổ chức đăng tải nếu lan truyền rộng rãi
trong xã hội có thể gây ra sự hỗn loạn, mất ổn định của Đắk Lắk nói riêng, Tây
Nguyên nói chung. Những thông tin sai trái đó còn gây ảnh hưởng trực tiếp đến các
mặt công tác, ảnh hưởng đến hoạt động điều tra của cơ quan chức năng.
Thực tế, những gì đang diễn ra tại huyện Cư Kuin hoàn toàn trái
ngược với thông tin mà các đối tượng phản động, chống đối bịa đặt ra để hướng
lái dư luận. Người dân Cư Kuin nói riêng, Tây Nguyên nói chung đang đồng lòng,
chung sức cùng với chính quyền để truy bắt các đối tượng lẩn trốn, đồng thời đề
cao cảnh giác với âm mưu, hoạt động phá hoại của kẻ địch. Cuộc sống của người
dân tại đây đang dần trở lại bình thường.
Cán bộ, nhân dân tích cực hưởng ứng thư kêu gọi của Tỉnh ủy,
HĐND, UBND tỉnh Đắk Lắk: “Đồng bào, đồng chí, chiến sĩ tham gia tích cực vào
phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, phát huy sức mạnh của thế trận
quốc phòng toàn dân gắn với an ninh nhân dân vững chắc, yên tâm lao động, sản
xuất góp phần vào sự ổn định, phát triển của địa phương. Không đăng tải, chia
sẻ các thông tin trên mạng xã hội khi chưa được kiểm chứng, gây ảnh hưởng đến
quá trình thực hiện nhiệm vụ của các lực lượng chức năng và gây hoang mang, lo
lắng trong nhân dân. Nêu cao tinh thần cảnh giác, tuyệt đối “không nghe, không
tin, không theo” các đối tượng phản động, các thế lực thù địch lợi dụng tình
hình để xuyên tạc, lôi kéo chống đối chính quyền địa phương gây mất an ninh
chính trị trên địa bàn”.
Trước thông tin, hình ảnh sai lệch, gây nhiễu loạn trên mạng xã
hội hiện nay, mỗi công dân khi tiếp cận, sử dụng Internet nói chung, mạng xã
hội nói riêng cần kiểm tra nguồn tin, tính chính xác. Cần phải tỉnh táo khi
dùng Internet, tránh “sập bẫy” của các đối tượng xấu, đặc biệt là trước các
luồng thông tin, hình ảnh phát ra từ các cá nhân, tổ chức chống Nhà nước. Cần
phải kiểm tra các tin, bài, ảnh, video trước khi đọc, xem, chia sẻ, xem các
trang web, trang mạng, tài khoản cá nhân đó có mang tính chính danh không, có
bị cơ quan chức năng lên tiếng cảnh báo không. Trước khi đọc, tiếp cận thông
tin liên quan đến vụ việc nói trên cần tìm hiểu về tác giả, tổ chức đưa tin.
Cần có tư duy phản biện đối với thông tin không đúng sự thật về
vụ việc. Mỗi công dân chúng ta là một chiến sĩ trên mặt trận thông tin. Bởi lẽ,
sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia không phải là trách nhiệm riêng ai mà đó là
sự chung sức, đồng lòng của toàn thể người dân. Khi phát hiện thông tin không
đúng sự thật cần tẩy chay, không chia sẻ, dẫn về trang cá nhân của mình, tránh
gây tình trạng hoang mang, hoảng sợ trong dư luận
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét