Theo chương trình làm việc, sáng 5/6, Quốc hội nghe trình bày Tờ
trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Các tổ chức Tín dụng (sửa đổi); Tờ
trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội thảo
luận ở tổ về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Việc xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi)
nhằm kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của
Nhà nước trong việc phát triển nhà ở cho nhân dân, đặc biệt là người có thu
nhập thấp và người nghèo, không có khả năng tạo lập nhà ở theo cơ chế thị
trường.
Đồng thời, sửa đổi, hoàn thiện các quy định của Luật Nhà ở năm
2014 để phù hợp với tình hình thực tế, tháo gỡ các tồn tại, hạn chế, bảo đảm
tính hợp hiến, sự thống nhất, đồng bộ giữa quy định của Luật Nhà ở (sửa đổi)
với các luật khác có liên quan. Dự thảo Luật gồm 13 chương với 196 điều. So với
Luật Nhà ở năm 2014, dự thảo Luật (sửa đổi) đã tăng hơn 13 điều; trong đó bãi
bỏ bảy điều trong Luật hiện hành; giữ nguyên 47 điều; sửa đổi, bổ sung 104
điều; bổ sung mới 34 điều; Luật hóa từ Nghị định 11 điều.
Trong phiên làm việc chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án
Luật Tài nguyên Nước (sửa đổi), dự án Luật Các tổ chức Tín dụng (sửa đổi). Việc
xây dựng Luật Các tổ chức Tín dụng (sửa đổi) nhằm hoàn thiện quy định pháp luật
về các tổ chức tín dụng, xử lý những vướng mắc, bất cập của Luật hiện hành;
luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, tiếp
tục tạo hành lang pháp lý trong hoạt động xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng
sau khi Nghị quyết số 42 hết hiệu lực từ ngày 31/12/2023.
Đồng thời, việc xây dựng Luật để sửa đổi, bổ sung các quy định
phòng ngừa rủi ro, tăng cường hơn nữa việc tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ, tự
chịu trách nhiệm của tổ chức tín dụng; xây dựng công cụ để quản lý các tổ chức
tín dụng, đặc biệt kiểm soát chặt chẽ nhân sự quản lý, điều hành của tổ chức
tín dụng; phát hiện sớm vi phạm và xử lý kịp thời trách nhiệm của các cá nhân
quản trị, điều hành tổ chức tín dụng; tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với
kiểm tra, giám sát, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân; bảo đảm công khai, minh
bạch trong hoạt động ngân hàng./
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét