Tiết kiệm đã trở thành
một trong những đức tính góp phần tạo nên đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tiết
kiệm trong đời sống hằng ngày, tiết kiệm trong những ngày Tết cổ truyền của dân
tộc, mỗi khi Tết đến Xuân về, lời dạy tiết kiệm của Bác lại nhắc nhở mỗi chúng
ta đức tính của người cán bộ đảng viên phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Đầu năm 1947, cuộc
kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp của nhân dân ta mới bắt đầu chưa được
hai tháng. Ngày Tết cổ truyền của dân tộc năm Đinh Hợi, Bác Hồ vẫn làm việc như
mọi ngày và ngày hai bữa ăn cơm độn sắn, như bữa ăn bình thường của một gia
đình nông dân nghèo Việt Nam.
Tết năm 1947, Bác gọi
là Tết kháng chiến, khi “Chiến sỹ ở tiền phương đang chịu đói chịu rét, xông
pha bom đạn, đem xương máu để giữ gìn Tổ quốc, để bảo vệ cho đồng bào hậu
phương được an toàn. Đồng bào các chiến khu thì nhà tan của mất, lưu lạc, tản
cư, ăn đói mặc rét, cực khổ điêu linh, thì “đồng bào các nơi khác có nỡ lòng ăn
Tết linh đình không ?”. Do đó, Bác kêu gọi toàn thể đồng bào: “Phải hết sức
tiết kiệm, để dành tiền bạc, cơm gạo cho cuộc kháng chiến lâu dài”.
Tết Mậu Tý (1948),
Người viết thư gửi Thứ trưởng Bộ Giao thông công chính vừa động viên, vừa nhắn
nhủ lời tiết kiệm ân tình:
“Tết nhất năm nay hoãn
thịt xôi
Tết sau, thắng lợi sẽ
đền bồi
Áo bạn biếu tôi, tôi
biếu chú
Chú mang cho ấm, cũng
như tôi.
Sau ngày thắng lợi
chống thực dân Pháp, về Thủ đô Hà Nội, Bác Hồ thường căn dặn mọi người phải
thực hành tiết kiệm, tiết kiệm lao động, tiết kiệm thời gian, tiền bạc; phải tiết
kiệm từ cái to đến cái nhỏ, không xa xỉ, hoang phí, không bừa bãi, phô trương
hình thức. Bác sống cả cuộc đời thanh bạch từ ăn, ở đến phương tiện sử dụng
phục vụ công việc hằng ngày. Bác dạy tiết kiệm từng những việc làm cụ thể, nhất
là tiết kiệm thời gian, Bác cho rằng “ai đưa thời giờ vứt đi, là người ngu dại.
Do đó, Bác kêu gọi từ chủ tịch chính phủ cho đến nhân viên văn phòng, người
quét dọn trong cơ quan nhỏ, đều là những người ăn lương của dân, làm việc cho
dân, dân đã lấy tiền mồ hôi nước mắt để trả lương…cho nên làm việc phải đúng
giờ, chớ đến trễ về sớm.
Tháng 1/1957, trong
lúc nhân dân miền Nam đang sôi nổi đấu tranh chính trị đòi chính quyền miền Nam
nghiêm chỉnh thực hiện Hiệp định Geneva thống nhất nước nhà, Bác kêu gọi nhân
dân phải “ Hết sức tiết kiệm trong công việc làm ăn và trong dịp Tết, phải
tránh lãng phí sức người, tránh lãng phí thời giờ và tiền của. Chớ vì được mùa
mà ăn tiêu phí phạm”.
Mùa Xuân năm 1960,
trong bài “Mừng Tết nguyên đán thế nào”, Bác nêu rõ: “chúng ta nên mừng Xuân một
cách vui vẻ và lành mạnh. Nếu có bao nhiêu tiền đều bỏ ra mua sắm hết để đánh
chén lu bù, thế là mừng Xuân một cách lạc hậu, thế là lãng phí, thế là không
Xuân”. Bác phê bình những nơi đón Tết xa hoa, lãng phí: “Vừa rồi vì được mùa to
hai mươi xã Yên Thành (Nghệ An) đã liên hoan hết 123 con lợn, 8 con bò, 3 con
bê, đó là chưa kể số tiền chi tiêu vào muối, gạo, rượu, chè, cũng chưa kể những
ngày lao động của bà con đã mất toi. Lãng phí tiền của công sức như vậy lỗi tại
ai? Lỗi tại cán bộ huyện, cán bộ xã, lỗi tại đảng viên, chi bộ”.
Tết năm Ất Tỵ (1965),
trong bài “Tổ chức ngày Tết tiết kiệm và vui tươi”, Người ca ngợi nhân dân xã
Đằng Hải (Hải An - Hải Phòng) đã phát động một phong trào tiết kiệm: “Đoàn viên
và thanh niên bèn lập những tổ chống lạm sát lợn. Họ xung phong gương mẫu.
Trong dịp cưới hỏi của mình, họ kiên quyết tiết kiệm và không giết lợn….trong
mấy ngày Tết mỗi người chỉ ăn nửa cân thịt lợn, mỗi gia đình chỉ dùng ba cân
gạo nếp gói bánh chưng và chỉ làm thịt hai con gà”.
Thực hiện lời dạy của
Bác về đón Tết tiết kiệm, chăm lo đời sống cán bộ và nhân dân, trong nhiều năm
qua, mỗi khi Tết đến Xuân về, Đảng và Nhà nước ta luôn chủ trương đón Tết vui
tươi, an toàn, tiết kiệm. Đón Xuân Quỹ Mão năm 2023, ngày 18/11/2022, Thường
trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Võ Văn Thưởng ký ban hành Chỉ thị số 19-CT/TW
về việc tổ chức Tết Quý Mão năm 2023 với tinh thần lành mạnh, an toàn, tiết
kiệm, tạo khí thế phấn khởi, quyết tâm tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết
Đại hội XIII của Đảng.
Mùa Xuân đón Tết, chúng
ta nhớ Bác, Người lãnh tụ cả đời cần kiệm, hy sinh vì nhân dân, vì đất nước.
Học tập đạo đức, phong cách của Hồ Chí Minh, chính là học từ những việc làm cụ
thể, giản dị, tiết kiệm, từ ngày thường đến những ngày Tết với ý nghĩa:
“Mừng Xuân mừng cả thế
gian,
Phải đâu lãng phí cỗ
bàn mới Xuân”.
Theo: Minh Dương
tự hào là con cháu Bác Hồ
Trả lờiXóa