Sau 10 năm (1954-1964), Mỹ thế chân Pháp
vào miền Nam Việt Nam và sau bốn năm (1961-1964) tiến hành chiến lược “chiến
tranh đặc biệt”, mặc dù đã bỏ ra nhiều tiền của và công sức, thi hành nhiều thủ
đoạn và biện pháp, nhưng Mỹ vẫn không dập tắt được phong trào cách mạng miền
Nam. Từ năm 1964 đến đầu năm 1965, cuộc đấu tranh cách mạng của đồng bào, chiến
sĩ ở miền Nam phát triển nhanh chóng, thu được những thắng lợi ngày càng to lớn,
khiến cho chiến lược "chiến tranh đặc biệt" của đế quốc Mỹ bị thất bại
nghiêm trọng.
Trước tình hình ấy, đế quốc Mỹ chuyển sang
thực hiện chiến lược "chiến tranh cục bộ", ồ ạt đưa quân Mỹ và chư hầu
vào miền Nam; đồng thời, mở rộng hoạt động không quân và hải quân, ném bom bắn
phá miền Bắc để gây áp lực hòng làm giảm sự chi viện về sức người, sức của từ hậu
phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam. Tuy nhiên, bằng sức mạnh của sự
đoàn kết và sẵn sàng hy sinh, với đường lối quân sự đúng đắn, quân và dân miền
Nam đã làm thất bại hai cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965-1966 và
1966-1967 của Mỹ-ngụy. Hai gọng kìm "tìm diệt" và "bình định"
bị bẻ gãy. Mục tiêu mà Mỹ đề ra chẳng những không thực hiện được mà còn chịu tổn
thất nặng cả về sinh lực và phương tiện chiến tranh. Không cam chịu, Mỹ liều
lĩnh quyết định đưa thêm 10 vạn quân chiến đấu vào miền Nam Việt Nam.
Về phía ta, tháng 12/1967, Bộ Chính trị
họp phiên đặc biệt, chính thức thông qua Kế hoạch chiến lược năm 1968 và nhiệm
vụ của quân và dân ta, chủ trương chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của nhân
dân ta ở miền Nam sang một thời kỳ mới - thời kỳ tiến công và nổi dậy, giành thắng
lợi quyết định, tạo ra bước ngoặt lớn cho cuộc chiến tranh. Để thực hiện quyết
tâm chiến lược đó, nhiệm vụ cấp bách lúc này huy động toàn Đảng, toàn quân và
toàn dân ta ở cả hai miền Nam-Bắc cùng gấp rút chuẩn bị lực lượng, phương tiện
cho cuộc tổng công kích và tổng khởi nghĩa.
Theo đó, miền Nam gấp rút chuẩn bị lực
lượng, xây dựng phương án tác chiến và phương án phát động quần chúng nổi dậy,
bảo đảm hậu cần tiếp tế, thông tin liên lạc; chuẩn bị cơ sở giấu ém lực lượng
và bàn đạp xuất phát tiến công ở vùng ven và trong các đô thị trên toàn miền
Nam. Cùng với đó, ta thực hiện kế nghi binh và đánh lạc hướng quân địch. Ta (và
Lào) mở chiến dịch Nậm Bạc ở Thượng Lào, Chiến dịch Đường 9-Khe Sanh, nhằm đánh
lạc hướng, thu hút quân cơ động của Mỹ, vây hãm, giam chân, tiêu hao lực lượng
và sinh lực địch tạo thế cho các chiến trường khác tiến công và nổi dậy.
bài viết rất ý nghĩa
Trả lờiXóa