Sáng 4/4, tại Hà Nội, ADB tổ chức công bố báo cáo Triển vọng
phát triển châu Á (ADO) tháng 4/2023 - ấn bản kinh tế hàng đầu của định chế tài
chính này về tình hình kinh tế của châu lục. Báo cáo đánh giá, kinh tế Việt Nam
đã phục hồi ấn tượng trong năm 2022, nhờ sự hỗ trợ của xuất khẩu, đầu tư trực
tiếp nước ngoài tăng mạnh và sự phục hồi của tiêu dùng trong nước.
Tuy nhiên, ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt
Nam cho biết, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 được dự báo sẽ bị ảnh
hưởng do suy thoái kinh tế thế giới, chính sách tiền tệ tiếp tục thắt chặt ở
các nước phát triển và tác động lan tỏa từ căng thẳng địa chính trị toàn cầu. Song
cũng theo chuyên gia của ADB, chính sách hỗ trợ tăng trưởng thông qua việc nới
lỏng tiền tệ và khối lượng lớn đầu tư công kỳ vọng được giải ngân trong năm
2023, cùng với việc mở cửa trở lại của Trung Quốc sẽ giúp Việt Nam đương đầu
với những bất lợi trên.
Do đó, ADB đưa ra dự báo nền kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ
tăng trưởng 6,5% vào năm 2023 như mục tiêu Chính phủ đặt ra, và tăng trưởng
tăng lên 6,8% trong năm 2024. Theo ADB, suy thoái kinh tế thế giới đã trầm
trọng hơn trong quý IV/2022 và nhiều khả năng sẽ tiếp tục trong năm 2023. Nhu cầu
toàn cầu sụt giảm dự kiến sẽ tác động tới tăng trưởng công nghiệp của Việt Nam.
Tuy nhiên, sản lượng nông nghiệp dự kiến sẽ tăng 3,2% trong năm
nay do nhu cầu trong nước phục hồi và mở cửa trở lại ở Trung Quốc - thị trường
chiếm tới 45% kim ngạch xuất khẩu trái cây và rau củ của Việt Nam. Ngoài ra,
lượng khách du lịch Trung Quốc bắt đầu quay trở lại từ ngày 15/3 được kỳ vọng
sẽ mang lại lợi ích cho ngành du lịch và dịch vụ ở Việt Nam, với dự báo tăng
trưởng của ngành đạt 8,0% trong năm nay.
Theo ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng ADB tại
Việt Nam, đầu tư công sẽ là một động lực then chốt cho việc phục hồi và tăng
trưởng kinh tế trong năm 2023 và 2024, giúp thúc đẩy ngành xây dựng và các hoạt
động kinh tế liên quan khác. Cùng với việc nhanh chóng chuyển sang chính sách
nới lỏng tiền tệ trong tháng 3, giải ngân đầu tư công được kỳ vọng mang lại tác
động đa chiều, tạo ra động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho nền kinh tế.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 kéo dài đã làm bộc lộ những vấn
đề mang tính cơ cấu, cùng với thị trường vốn trong nước đang chịu áp lực,
chuyên gia của ADB cho rằng, về dài hạn, Việt Nam cần duy trì cải cách lĩnh vực
tài chính để giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào nguồn vốn ngân hàng và nâng
cao tính minh bạch trên thị trường vốn. Bên cạnh đó, mặc dù chuyển sang chính
sách tiền tệ nới lỏng hơn, ADB cũng khuyến nghị Việt Nam vẫn nên tiếp tục ưu
tiên ổn định giá cả, do căng thẳng địa chính trị leo thang và việc đẩy nhanh
giải ngân đầu tư công vẫn có thể làm gia tăng lạm phát trong năm 2023. Cuối
cùng, theo ADB, việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân 30 tỷ USD đầu tư công là rất
quan trọng, cùng với việc tiếp tục thực hiện chương trình phục hồi kinh tế được
thông qua trong tháng 1/2022 sẽ tạo ra tác động đa chiều, tạo động lực mạnh mẽ
cho cả nền kinh tế.
Việt Nam vững bước đi lên
Trả lờiXóa