Thứ Bảy, 1 tháng 4, 2023

TIẾP TỤC ĐỔI MỚI, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI ĐÁP ỨNG YÊU CẦU GIAI ĐOẠN MỚI.

 

Ngày 30/3, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho ý kiến về Đề án Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15, ngày 10/6/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020 (Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI).

Sau khi nghe đại diện lãnh đạo Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án trình bày nội dung Tờ trình, Bộ Chính trị thảo luận và cho rằng, hơn 35 năm đổi mới, nhất là trong 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI, đổi mới và phát triển chính sách xã hội là chủ trương xuyên suốt và nhất quán của Đảng, Nhà nước ta với tinh thần tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.

Việc triển khai có hiệu quả các chính sách xã hội, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân đã góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ; đồng thời mang lại những thành tựu to lớn trong tiến bộ, công bằng xã hội. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt, khẳng định tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng,...

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế, như: chính sách xã hội còn thiếu tính bao trùm, thiếu liên kết giữa các chính sách trong tổ chức thực hiện, tỷ lệ bao phủ thấp. Chênh lệch mức sống giữa vùng miền, nhóm đối tượng còn lớn, kết quả giảm nghèo chưa bền vững, chuẩn nghèo và chuẩn trợ cấp còn thấp. Chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, bảo hiểm xã hội còn thấp và chưa thật sự hấp dẫn người lao động. Chất lượng dịch vụ y tế cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu; hệ thống cung cấp dịch vụ xã hội phát triển chậm; đầu tư chính sách xã hội còn có mặt chưa hiệu quả...

Bộ Chính trị khẳng định, việc tiếp tục đổi mới, phát huy hiệu quả chính sách xã hội là nhiệm vụ chiến lược, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, góp phần bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội; bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội cho nhân dân và tạo điều kiện để nhân dân tham gia và thụ hưởng ngày một tốt hơn thành quả của phát triển. Việc xây dựng và thực hiện chính sách xã hội phải đặt trong tổng thể quản lý phát triển xã hội bền vững; giải quyết hài hòa các quan hệ xã hội, bảo đảm tính bền vững trong các chính sách xã hội nhất là phúc lợi xã hội, an ninh xã hội, an ninh con người.

Đầu tư cho thực hiện các mục tiêu chính sách xã hội phải phù hợp khả năng nền kinh tế và yêu cầu hiện thực hóa các mục tiêu chính sách xã hội, trong đó nguồn lực nhà nước đóng vai trò chủ đạo cùng các nguồn lực quan trọng của doanh nghiệp, xã hội và đóng góp của người dân; kết hợp nội lực với ngoại lực thông qua hợp tác quốc tế. Xây dựng và hoàn thiện chính sách xã hội phải toàn diện, hiện đại, bao trùm, bền vững, lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, mục tiêu, động lực, nguồn lực để phát triển.

Việc thực hiện chính sách xã hội phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, sự quản lý chặt chẽ, hiệu quả của Nhà nước, sự giám sát thường xuyên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội, sự tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp. Khơi dậy khát vọng phát triển, phát huy truyền thống tương thân, tương ái; tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, ý chí tự lực, tự cường của nhân dân trong giải quyết các vấn đề xã hội. Bộ Chính trị giao cho Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo tiếp thu ý kiến của Bộ Chính trị và các cơ quan liên quan để hoàn thiện Đề án báo cáo Bộ Chính trị trình Hội nghị Trung ương 7 khóa XIII.

 

 

 

 

 

 

1 nhận xét:

  1. cần khơi dậy khát vọng phát triển, phát huy truyền thống tương thân, tương ái; tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, ý chí tự lực, tự cường của nhân dân trong giải quyết các vấn đề xã hội

    Trả lờiXóa