Thứ Năm, 6 tháng 4, 2023

NHỮNG CÁI NHÌN SAI LỆCH VỀ NGÀY 30 – 4 - 1975

Cách đây 48 năm, vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, lá cờ của Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, đánh dấu giờ phút thiêng liêng của dân tộc Việt Nam, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kéo dài 21 năm (1954 - 1975). Kể từ đó, ngày 30-4 hằng năm trở thành ngày lễ chính thức của nhân dân Việt Nam, được đặt tên là Ngày Chiến thắng, hoặc Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Gần nửa thế kỷ qua, ngày 30-4 đã trở thành ngày hội thống nhất non sông gấm vóc, ngày tự hào về truyền thống vẻ vang của dân tộc Việt Nam. Thế nhưng với các thế lực thù địch và một số đối tượng cơ hội chính trị thì ngày 30-4 lại là ngày “hằn học”, ngày “bực tức”, ngày “thù hận”. Đã thành thông lệ từ nhiều năm nay, cứ gần đến ngày lễ Chiến thắng, một số đối tượng chống cộng cực đoan ở hải ngoại lại tung ra các bài viết, trả lời phỏng vấn với cách nhìn sai lệch, xuyên tạc lịch sử về ngày 30-4-1975. Họ gọi cuộc chiến tranh do đế quốc Mỹ tiến hành ở Việt Nam giai đoạn 1954 - 1975 là “cuộc nội chiến giữa hai miền Nam - Bắc”; gọi ngày 30-4-1975 là “Ngày quốc hận” và tháng 4-1975 là “Tháng tư đen”…

Năm nay, vẫn “trung thành” với các âm mưu thâm độc, nhưng các thế lực thù địch và một số phần tử cơ hội chính trị có vẻ “đổi mới” hơn về phương thức chống phá, chúng lợi dụng mạng xã hội, mạng Internet để đưa những thông tin sai lệnh, xuyên tạc sự thật lịch sử, “vẽ” ra viễn cảnh “nếu không có ngày 30-4-1975”… Nguy hiểm hơn, một số đối tượng còn xúi giục những người trẻ tuổi ở Việt Nam đấu tranh “đòi tự do dân chủ” theo viễn tưởng phương Tây, từ đó làm giảm niềm tin vào chế độ, đòi “đa nguyên, đa đảng”…

Chiến thắng 30-4-1975 là thắng lợi to lớn nhất, trọn vẹn nhất, vĩ đại nhất trong hành trình thực hiện mục tiêu cách mạng do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo; là trang sử hào hùng và chói lọi trong lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc. Nếu không có Chiến thắng 30-4-1975, chúng ta không thể có công cuộc đổi mới hiện nay, không có điều kiện để tập trung tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong gần 50 năm qua./.


1 nhận xét: