Thứ Ba, 12 tháng 3, 2024

CHÍNH SÁCH DÂN TỘC CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC VIỆT NAM HIỆN NAY MANG TÍNH CÁC MẠNG, KHOA HỌC

Chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước Việt Nam hiện nay mang tính các mạng, khoa học bởi xuất phát từ cơ sở lý luận, thực tiễn cách mạng, khoa học.

Một là, xuất phát từ quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về dân tộc và giải quyết vấn đề dân tộc. Đây là cơ sở lý luận quan trọng để Đảng và Nhà nước ta xây dựng chính sách dân tộc. Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ rõ: Vấn đề dân tộc và giải quyết vấn đề dân tộc có vị trí chiến lược, tạo lực lượng cho cách mạng xã hội chủ nghĩa. Giải quyết vấn đề dân tộc phụ thuộc và phục vụ cho vấn đề giai cấp của giai cấp công nhân, phù hợp với lợi ích cơ bản của nhân dân lao động và của dân tộc, vừa là mục đích trước mắt vừa là nhiệm vụ lâu dài; vừa là mục tiêu, vừa là động lực của cách mạng xã hội chủ nghĩa. Nguyên tắc giải quyết vấn đề dân tộc trong chủ nghĩa xã hộilà: Các dân tộc hoàn toàn bình đẳng, các dân tộc được quyền tự quyết và liên hiệp công nhân các dân tộc lại; phát huy được khả năng vươn lên của các dân tộc, phù hợp đặc thù từng dân tộc, từng vùng miền; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ các tộc người thiểu số…  

Hai là, xuất phát từ đặc điểm cơ bản của các dân tộc và vị trí chiến lược của địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi nước ta trong giai đoạn hiện nay. Các dân tộc ở n­ước ta là một cộng đồng thống nhất trong đa dạng, cư­ trú xen kẽ, phân tán, trình độ phát triển kinh tế - xã hội không đồng đều. Khu vực miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nước ta có vị trí chiến lược, đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại và bảo vệ môi trường sinh thái. Đặc điểm này đòi hỏi chính sách dân tộc phải vừa mang tính toàn diện, vừa mang tính đặc thù, vừa mang tính trước mắt, vừa mang tính lâu dài…Đây là cơ sở thực tiễn quan trọng của chính sách nhằm bảo đảm tính phù hợp, hiệu quả của hệ thống chính sách dân tộc.   

 Ba là, xuất phát từ bài học kinh nghiệm giải quyết vấn đề dân tộc của các quốc gia trên thế giới và của Việt Nam. Đó là những bài học lớn: Lợi ích quốc gia, dân tộc là cao nhất; nhà nước giải quyết tốt, hài hòa lợi ích của các dân tộc thiểu số; cần thể chế hóa và bảo đảm thực thi một cách nghiêm túc, hiệu quả các vấn đề liên quan đến dân tộc; vấn đề căn bản nhất trong xử lý quan hệ giữa dân tộc đa số với các dân tộc thiểu số; phải lấy phát triển kinh tế các dân tộc thiểu số làm khâu đột phá, làm cơ sở để giải quyết các vấn đề khác trong phát triển, như: chính trị, văn hóa trong bối cảnh quốc gia đa dân tộc cùng sinh sông.

Bốn là, xuất phát từ thực tiễn thực hiện chính sách dân tộc ở Việt Nam thời gian qua và yêu cầu phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong những năm tới. Những năm qua, việc thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta  có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được nhiều thành tựu toàn diện. Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách dân tộc còn không ít khuyết điểm, hạn chế. Trong giai đoạn hiện nay, nhiệm vụ phát triển toàn diện, bền vững vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã và đang đặt ra những yêu cầu mới. Bởi thế, đây là cơ sở quan trọng để xây dựng, thực hiện hệ thống chính sách dân tộc đồng bộ, hiệu quả nhằm phát triển nhanh và bền vững kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét