Thứ Ba, 12 tháng 3, 2024

CHÍNH SÁCH DÂN TỘC Ở VIỆT NAM HIỆN NAY NHƯ THẾ NÀO?

Chính sách dân tộc ở Việt Namtoàn bộ những chủ trương, biện pháp của Đảng, Nhà nước tác động vào tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội của các dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số, đối với từng dân tộc riêng biệt, nhằm bảo đảm bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển giữa các dân tộc; phát huy vai trò của đồng bào các dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước được thể hiện trong một chỉnh thể thống nhất giữa đường lối, quan điểm của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với dân tộc, giải quyết vấn đề dân tộc. Chính sách, pháp luật về dân tộc của Nhà nư­ớc là công cụ, phương tiện quan trọng nhất để thể chế hoá, hiện thực hoá các quan điểm giải quyết vấn đề dân tộc của Đảng trong thực tiễn. Chính sách dân tộc cũng là chính sách phát triển nhằm phát triển về kinh tế - xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số và vùng dân tộc thiểu số, hướng tới mục tiêu phát triển các dân tộc, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Đối tượng thụ hưởng chính sách dân tộc không chỉ là đồng bào các dân tộc thiểu số, mà còn là vùng dân tộc thiểu số và miền núi, bao gồm cả dân tộc đa số sinh sống trong vùng.

Nguyên tắc, nội dung cơ bản chỉ đạo việc xây dựng, thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước ta hiện nay là: “Thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau giữa các dân tộc, tạo mọi điều kiện để các dân tộc phát triển, gắn bó mật thiết với sự phát triển chung của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. Chống tư tưởng kỳ thị và chia rẽ dân tộc. Các chính sách kinh tế - xã hội phải phù hợp với đặc thù của các vùng và các dận tộc, nhất là các dân tộc thiểu số”

Chính sách dân tộc  nước ta mang tính tổng hợp, liên ngành, có nội dung toàn diện và đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Chính sách  dân tộc đúng đắn sẽ tạo động lực cách mạng to lớn, khơi dậy và phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, giải quyết vấn đề lực lượng cách mạng; góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội; tạo điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội ở các dân tộc, vùng dân tộc, vùng miền núi và cả nước; đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc để chống phá nước ta. Thực hiện chính sách dân tộc ở nước ta là là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, của đồng bào tất cả các tộc người dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước.



. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét