Thứ Hai, 4 tháng 3, 2024

CHÍNH SÁCH DÂN TỘC TRÊN LĨNH VỰC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG, SINH THÁI Ở VIỆT NAM HIỆN NAY GỒM NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN NÀO?

Vùng dân tộc thiểu số và miền núi nước ta có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về bảo vệ môi trường sinh thái. Đây là nơi có hệ động, thực vật phong phú, đầu nguồn của các dòng sông lớn và hệ thống rừng phòng hộ có tác dụng duy trì sự cân bằng và quyết định đến môi trường sinh thái của cả nước. - Đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái, nguồn nước, hệ động thực vật, thực vật, đa dạng sinh học; đặc biệt là bảo vệ và phát triển rừng.

Nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho người dân và cộng đồng thôn bản thông qua các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, xây dựng thói quen, nếp sống và các phong trào toàn dân tích cực tham gia bảo vệ môi trường. Tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia hoạt động bảo vệ môi trường; kiểm tra, giám sát việc thực hiện hoạt động bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật. Tuyên truyền, vận động, giao đất giao rừng, có chính sách khuyến khích đồng bào tích cực trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học; khai thác, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên.

Chú trọng bảo vệ môi trường khu dân cư. Xây dựng thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc thân thiện với môi trường. Giảm thiểu thiệt hại do các sự cố môi trường, thiên tai gây ra; bố trí lại khu chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhà vệ sinh ở vùng dân tộc thiểu số đảm bảo hợp vệ sinh môi trường nông thôn. Hỗ trợ đồng bào xây dựng các công trình vệ sinh, chuồng trại theo tiêu chí của chương trình xây dựng nông thôn mới. Thực hiện chính sách đầu tư cung cấp nước sạch, tiến tới giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nước sinh hoạt, đảm bảo đủ nước sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch. Có chính sách ưu tiên để huy động mọi thành phần kinh tế đầu tư, cung cấp nước cho các vùng dân tộc thiểu số.

Quan tâm cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, bảo đảm cân bằng sinh thái. Sử dụng, khai thác và phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên, môi trường, sinh thái vùng dân tộc thiểu số theo quy định của pháp luật. Bảo vệ, cải tạo và đảm bảo cho vùng dân tộc thiểu số có tài nguyên được đầu tư trở lại phù hợp.

Xây dựng hệ thống rừng đặc dụng, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, rừng văn hóa, lịch sử và môi trường ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời, đẩy mạnh các chương trình, dự án trồng rừng nhằm tăng diện tích rừng che phủ, bảo vệ sự đa dạng sinh học.

Nghiêm cấm các hành vi: phá hoại, khai thác trái phép các nguồn tài nguyên thiên nhiên; khai thác, kinh doanh, tiêu thụ các loài thực vật, động vật hoang dã thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm; phá hoại, xâm chiếm trái phép di sản thiên nhiên, khu bảo tồn thiên nhiên. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét