Thứ Hai, 25 tháng 9, 2023

CHỦ NGHĨA MÁC – LÊNIN VỚI VẤN ĐỀ BẢO VỆ ĐẢNG, ĐẤU TRANH PHÊ PHÁN CÁC TRÀO LƯU, QUAN ĐIỂM SAI TRÁI

Chủ nghĩa Mác - Lênin là hệ thống quan điểm, học thuyết khoa học do C.Mác - Ph.Ăngghen đặt nền móng vào đầu thế kỷ XIX, được V.I. Lênin kế tục, phát triển từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Đây là một học thuyết khoa học, cách mạng và nhân văn. Bởi vì, chủ nghĩa Mác - Lênin đã vạch trần bản chất cùng những mâu thuẫn cố hữu tồn tại trong chế độ tư bản chủ nghĩa, đồng thời chỉ rõ lực lượng, con đường, phương pháp nhằm giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Vì thế, ngay từ khi ra đời, Chủ nghĩa Mác - Lênin luôn bị hệ thống tư bản chủ nghĩa phê phán quyết liệt trên cả phương diện chính trị, lý luận và thực tiễn. Trong tác phẩm “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”. C.Mác và Ph.Ăngghen đã ví sự lo sợ của giai cấp tư sản về chủ nghĩa cộng sản như “bóng ma ám ảnh châu Âu”, buộc chúng phải tìm mọi phương cách cũng như thủ đoạn để ngăn chặn và chống phá quyết liệt.

Đồng thời, thông qua các tác phẩm của mình, C.Mác và Ph.Ăngghen đã phê phán mạnh quan điểm sai trái của các thế lực phản động, cơ hội, như: trong tác phẩm “Tư bản”, C.Mác - Ph.Ăngghen phê phán các quan điểm duy tâm, siêu hình đã phản ảnh sai lầm về tiến trình phát triển của lịch sử cũng như những lý luận biện hộ cho sự tồn tại tất yếu, vĩnh hằng của chủ nghĩa tư bản. Đến tác phẩm “Ludwig Feuerbach và sự cáo chung của triết học cổ điển Đức”, Ăngghen đã đấu tranh với những quan điểm triết học duy tâm, siêu hình của Feuerbach trong việc giải quyết những vấn đề cơ bản của triết học. Ông chỉ rõ tính lịch sử và sự hạn chế của triết học Hegel, Feuerbach và nêu rõ những nguyên lý của triết học mác xít để khẳng định sự ưu việt, tiến bộ của thế giới quan vô sản.... Có thể nói, thông qua quá trình phủ định các quan điểm thù địch, đấu tranh trên mặt trận tư tưởng - lý luận mà các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác - Lênin đã bảo vệ và làm cho Chủ nghĩa Mác càng ăn sâu, bám rễ vào đời sống xã hội với sức lan tỏa và ảnh hưởng mạnh mẽ.

Đến thời kỳ V.I.Lênin, ông đã dựa trên thế giới quan, phương pháp luận của Mác - Ăngghen và thành tựu của khoa học tự nhiên để chỉ ra sự vô căn cứ của chủ nghĩa duy tâm, phương pháp tư duy siêu hình của phái dân túy. Ông đấu tranh với quan điểm trực diện phê phán chủ nghĩa Mác, chống sự biến tướng của chủ nghĩa duy tâm tôn giáo, chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán và những quan điểm giả danh Mác. Ông đã phê phán kịch liệt những quan điểm cơ hội, xét lại của E.Bernstein, K.Kautsky..., đấu tranh với những quan điểm sai lầm của G.V.Plekhanov, N.I.Bukharin, L.Trotsky.... Lênin đã đấu tranh, làm rõ sự sai lầm và vô căn cứ của chúng, làm rõ bản chất của chủ nghĩa đế quốc vẫn là chủ nghĩa tư bản nhưng biểu hiện ở giai đoạn, trình độ cao hơn. Vì vậy, nó không thoát khỏi quy luật diệt vong. Với tác phẩm “Cách mạng vô sản và tên phản bội Kautsky”, Lênin đã vạch trần sự phản bội về mặt lợi ích của Kautsky đối với giai cấp công nhân, quan điểm phủ nhận chuyên chính vô sản cũng như bóp méo chủ nghĩa Mác của hắn, từ đó khẳng định vai trò và giá trị của nền chuyên chính vô sản đối với tuyệt đại đa số nhân dân lao động...

Cách mạng Tháng Mười Nga thành công năm 1917 đã đánh dấu thắng lợi vinh quang và vĩ đại của việc hiện thực hóa chủ nghĩa Mác, đưa lý luận của Mác - Ăngghen trở thành hiện thực ở Nga. Đồng chí V.I.Lênin đã trở thành tấm gương sáng ngời về đấu tranh, phê phán các quan điểm sai trái, thù địch để bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác. Ông khẳng định: Một cuộc cách mạng không biết tự vệ mình là cuộc cách mạng tự sát. Có thể thấy rằng, quá trình đấu tranh với các quan điểm sai trái, trào lưu phi vô sản của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác - Lênin cũng là quá trình đào sâu, làm rõ và khẳng định giá trị nhân văn, khoa học, chân chính, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, để từ đó, phát triển nó trong lòng hiện thực xã hội. Các giá trị bền vững trong tư tưởng, quan điểm và phương pháp của C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin đã và vẫn đang là lý luận và phương pháp luận khoa học để nhận thức và cải tạo thế giới; soi tỏ nhiệm vụ giải phóng con người khỏi mọi hình thức áp bức, bóc lột, bất công. Trong quá trình đó, các thế hệ cách mạng trên toàn thế giới, trong đó có Đảng Cộng sản Việt Nam cần phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ sự nghiệp cách mạng của giai cấp và dân tộc, trong đó có cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ và mục tiêu, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét