Trước
hết, cần khẳng định, bảo đảm dân chủ, bảo vệ nhân quyền luôn là vấn
đề được Đảng và Nhà nước Việt Nam coÁN trọng trong suốt quá trình lãnh đạo công
cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Tôn trọng, bảo đảm dân chủ,
bảo vệ nhân quyền không phải chỉ là những khẩu hiệu, những lời tuyên
bố mà chính là đặc trưng, bản chất, mục tiêu, nhiệm vụ của chế độ
XHCN Việt Nam. Bởi lẽ, chế độ XHCN mà Việt Nam xây dựng là chế độ
xã hội tốt đẹp, dân chủ, tiến bộ, văn minh: “Bao nhiêu lợi ích đều vì
dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân”(1), một chế
độ xã hội luôn coi nhân dân “là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới”(2),
luôn “xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân
dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”(3).
Để
bảo đảm và giữ vững bản chất dân chủ ưu việt, tốt đẹp của chế độ
XHCN, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn xác định phải coi trọng việc
bảo vệ dân chủ, nhân quyền, chú trọng bảo đảm tốt nhất mọi quyền
lợi của nhân dân, hơn thế, không chỉ cần mà còn phải luôn “tôn trọng,
bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân”(4), “bảo vệ quyền
và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân”(5), để nhân dân tham
gia quyết định những vấn đề lớn của đất nước theo phương châm "Dân biết,
dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng"(6).
Sẵn sàng “Xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức, cá nhân lợi dụng dân
chủ, gây rối nội bộ, làm mất ổn định chính trị - xã hội hoặc vi phạm dân chủ,
làm phương hại đến quyền làm chủ của nhân dân”(7).
Mọi
chủ trương, chính sách của Việt Nam cũng không ngoài mục đích “bảo đảm
cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân”(8), “Không
ngừng cải thiện toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”(9),
“thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ
số hạnh phúc của con người Việt Nam”(10), “nâng cao phúc
lợi xã hội, an sinh xã hội, cố gắng bảo đảm những nhu cầu cơ
bản, thiết yếu của nhân dân về nhà ở, đi lại, giáo dục, y tế, việc làm”(11),
“Nâng cao chất lượng xây dựng và thực hiện hiệu quả các chính sách
về dinh dưỡng, an toàn thực phẩm, bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe và tầm
vóc người Việt Nam, bảo đảm toàn dân đều được quản lý, bảo vệ, chăm
sóc sức khỏe”(12) nhằm hướng tới mục tiêu cao đẹp của cả dân
tộc là “phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; dân tộc cường thịnh,
trường tồn”(13).
Mọi nỗ
lực, cố gắng không ngừng của Đảng và Nhà nước Việt Nam là để xây
dựng thành công chế độ XHCN với mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công
bằng, văn minh”(14). Hiến pháp của Việt Nam cũng khẳng định
rõ: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền
công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn
trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”(15). Mọi chính
sách, pháp luật của Nhà nước đều hướng tới việc ghi nhận và bảo
đảm, bảo vệ ngày càng tốt hơn, đầy đủ hơn các quyền của mọi người
dân...
Như
vậy, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ dân chủ, nhân quyền chính là sự thể
hiện và khẳng định bản chất dân chủ ưu việt của chế độ XHCN mà
Việt Nam xây dựng, đồng thời cũng là mục tiêu, nhiệm vụ, động lực
quan trọng của tiến trình xây dựng chế độ XHCN Việt Nam. Không chú
trọng bảo đảm, bảo vệ nhân quyền, không coi trọng các quyền và lợi
ích chính đáng của mọi người dân thì không phải là chế độ dân chủ
thực sự. Một chế độ dân chủ thực sự - chế độ XHCN (dân chủ không
phải chỉ trong tuyên bố mà phải trong hiện thực, dân chủ không phải
chỉ cho thiểu số giai cấp thống trị, cho những kẻ giàu mà phải cho
mọi tầng lớp nhân dân lao động, dân chủ không chỉ riêng trong một lĩnh
vực nào đó mà phải trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội…) không
thể và không cho phép “phớt lờ”, “chà đạp”, “vi phạm” các quyền dân
chủ, vi phạm các quyền của mọi người dân.
Thực
tiễn những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong việc coi trọng,
ghi nhận, bảo đảm, thực thi dân chủ, bảo vệ nhân quyền càng là minh
chứng sống động để đập tan những luận điệu xuyên tạc, vu khống của
các thế lực thù địch về tình hình nhân quyền, thực thi dân chủ ở
Việt Nam. Đảng và Nhà nước không chỉ ban hành mà còn nỗ lực hiện
thực hóa những chủ trương, chính sách bảo đảm ngày càng tốt hơn các
quyền dân chủ, các quyền của mọi người dân. Mọi người dân Việt Nam
từ trẻ đến già, từ nông thôn đến thành thị, từ miền núi đến miền
xuôi, không phân biệt giới tính, địa vị xã hội, thành phần giai cấp,
tôn giáo, dân tộc… đều được ghi nhận, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ
đầy đủ các quyền con người, quyền công dân, không chỉ các quyền cơ
bản tự nhiên của con người mà toàn bộ các quyền về kinh tế, chính
trị, văn hóa, xã hội.
Mọi
nỗ lực của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong việc chỉ đạo thúc đẩy
phát triển kinh tế, bảo đảm ổn định chính trị, giữ vững an ninh, chủ
quyền quốc gia, phát triển y tế, giáo dục, văn hóa xã hội, thực
hiện an sinh xã hội, phúc lợi xã hội… không ngoài mục đích để mọi
người dân Việt Nam có cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc, được bảo
đảm các quyền sống, quyền được giáo dục, quyền được bảo vệ, chăm sóc
sức khỏe, được tham gia lao động, cống hiến cho xã hội và được hưởng
thụ những thành quả của tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của
đất nước...
Trong
lĩnh vực kinh tế, Đảng và Nhà nước cũng luôn chú trọng hoàn thiện
các chính sách kinh tế, chế tài pháp luật, tạo hành lang pháp lý
thuận lợi để bảo đảm cho mọi người dân có cơ hội tham gia các hoạt
động kinh tế, được tự do kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh và được bảo
vệ các lợi ích chính đáng của mình.
Mọi
người dân cũng được bảo đảm đầy đủ các quyền chính trị, được tham
gia bầu cử, ứng cử, được tự do biểu đạt chính kiến, tham gia đóng
góp ý kiến vào những công việc của Đảng và Nhà nước, cũng như vào
tiến trình phát triển chung của đất nước…
Mọi
người dân đều được tự do tham gia các hoạt động văn hóa, xã hội, tôn
giáo, tín ngưỡng theo nhu cầu, sở thích, phù hợp với chuẩn mực đạo
đức, văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc; được bảo đảm an sinh
xã hội, an ninh cuộc sống… Hơn thế, Đảng và Nhà nước luôn có những
chủ trương, chính sách đặc thù quan tâm, bảo vệ “bảo đảm trợ giúp cho
các nhóm đối tượng yếu thế”(16) trong xã hội, như phụ nữ,
trẻ em, người già, hay những đối tượng chính sách, người dân ở những
vùng, miền, địa bàn khó khăn, biên giới, hải đảo, miền núi, tạo điều
kiện cho mọi người được “tiếp cận bình đẳng nguồn lực, cơ hội phát triển và
hưởng thụ công bằng các dịch vụ xã hội cơ bản”(17), bảo đảm không
để ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình phát triển đất nước, không
để ai bị thua thiệt do bị phân biệt đối xử bất công…
Bên
cạnh đó, Việt Nam cũng tích cực tham gia hợp tác, ký kết nhiều công
ước quốc tế nhằm bảo đảm, bảo vệ tốt hơn các quyền của người dân
trong các mối quan hệ hợp tác toàn cầu. Đặc biệt, trong những thời
điểm khó khăn, thiên tai, đại dịch hoành hành, Đảng và Nhà nước đã tích
cực triển khai các chính sách bảo đảm, bảo vệ các quyền và lợi ích
của người dân, không để người dân mất đi các quyền được sống, được
có cơm ăn, áo mặc, được có việc làm, được học tập, được chăm sóc y
tế, cuộc sống an toàn…
Thực
tế những nỗ lực của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong việc chỉ đạo
huy động mọi lực lượng, mọi nguồn lực để chăm lo, hỗ trợ bảo đảm ổn
định cuộc sống cho người dân, bảo vệ các quyền và lợi ích chính
đáng của người dân, bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân trong
bối cảnh đại dịch Covid-19 là minh chứng đập tan những luận điệu
xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động về vấn đề thực thi
dân chủ, về tình hình nhân quyền ở Việt Nam.
Việt
Nam không phải và chưa bao giờ là quốc gia xem thường dân chủ, nhân
quyền của người dân, ngược lại, còn là một trong những điểm sáng
trong việc tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ dân chủ, nhân quyền của người dân.
Hơn nữa, Việt Nam còn là quốc gia có đóng góp tích cực vào việc bảo
vệ dân chủ, nhân quyền trên toàn thế giới; lên án, đấu tranh với
những hành động vi phạm nhân quyền, bao gồm không chỉ vi phạm các
quyền của người dân, phân biệt đối xử về giới tính, sắc tộc, tôn
giáo… mà cả vi phạm chủ quyền, quyền tự quyết, tự chủ của các
quốc gia.
Thực
tế cũng cho thấy, chính những kẻ “nhân danh công lý”, “các nhà bảo
vệ nhân quyền”, “các nhà đấu tranh cho dân chủ, tiến bộ, văn minh”…
đang ráo riết “vạch tội”, “lên án” Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân
quyền lại đang thực hiện những hành động vi phạm dân chủ, nhân quyền,
can thiệp thô bạo vào vấn đề nội bộ, xâm phạm các quyền tự chủ, tự
quyết của Việt Nam, cản trở tiến trình phát triển vì mục tiêu đem
lại cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, công bằng, văn minh cho
người dân Việt Nam.
Thêm
nữa, “định hướng” của “các nhà dân chủ, nhân quyền” về đích hướng
tới cho nhân loại và Việt Nam là chế độ xã hội tư bản chủ nghĩa dân
chủ, tiến bộ, văn minh lại không như những gì họ tuyên bố. Chế độ
TBCN vẫn đã và đang thể hiện là chế độ dân chủ chỉ cho 1%, vì lợi
ích của 1% những nhà tư bản giàu có khi mà phần lớn của cải do
người lao động tạo ra đều về tay 1% những ông chủ tư bản. Chế độ TBCN
tạo điều kiện và cơ hội cho 1% những người giàu có làm giàu, thu lợi trên những
tấm lưng còng và mồ hôi của những người lao động.
Không
khó để có những số liệu như lợi nhuận của các tập đoàn tư bản và lương của các
chủ tư sản trong hơn một thế kỷ qua liên tục tăng không ngừng, trong khi thu
nhập thực tế của người lao động tăng không đáng kể, thậm chí không đủ để trang
trải các chi phí sinh hoạt thiết yếu, không có cơ hội và điều kiện để tiếp cận
và hưởng thụ những giá trị vật chất và tinh thần do họ tạo ra. Chỉ tính riêng
trong năm 2017 thì 82% số của cải được tạo ra thuộc về 1% những người giàu có
nhất, còn của cải của 50% dân số nghèo nhất không hề tăng.
Thậm
chí trong bối cảnh đại dịch Covid-19, trong khi hàng tỷ người lao động ở các
quốc gia TBCN đang phải vật lộn để kiếm sống và trang trải gánh nặng chi
phí sinh hoạt, họ không dám đi xét nghiệm, chữa bệnh vì chi phí y tế quá
sức thì nhiều cá nhân, tập đoàn tư bản vẫn tranh thủ thao túng, trục lợi và thu
lợi nhuận lớn. Chênh lệch thu nhập giữa giới chủ và người lao động vẫn tiếp tục
giãn rộng cùng với lợi nhuận của các ông chủ của các tập đoàn tư bản ngày càng
tăng cao và người lao động càng bị bóc lột nhiều hơn...
Nền
kinh tế TBCN ngày càng vắt kiệt sức lực của người lao động để mang về những món
lợi nhuận kếch xù cho các chủ tư bản. Trong guồng quay của nền đại công nghiệp
TBCN, người lao động ngày càng trở thành một cái máy trong dây chuyền sản xuất,
họ không có thời gian và điều kiện kinh tế để thỏa mãn đầy đủ những nhu cầu vật
chất, tinh thần, chứ chưa nói tới phát triển toàn diện con người.
Tình
trạng phân biệt đối xử bất công với người nghèo, người da màu, người nhập cư
vẫn luôn tồn tại,... Đó là chưa nói tới việc vì lợi nhuận, nhiều quốc
gia TBCN sẵn sàng can thiệp, kích động, tạo nên những cuộc xung đột,
chiến tranh giữa các quốc gia để bán được nhiều vũ khí mà không hề
quan tâm đến những khổ đau, mất mát, tang thương mà biết bao dân thường
phải gánh chịu, vi phạm ngay từ quyền căn bản của con người đó là
quyền được sống, được tự do, được có cơm ăn, áo mặc,… Nhiều học giả
khi chứng kiến hiện thực đầy rẫy sự bất công, mất dân chủ... ở các quốc gia
TBCN đã phải thốt lên rằng nhà nước tư sản không phải là của dân, do dân,
vì dân như họ tuyên bố mà chỉ là nhà nước của 1%, do 1% và vì 1%; mọi
thành quả của tăng trưởng kinh tế đều chỉ phục vụ cho nhóm những người giàu có
và quyền lực chứ không phải cho mọi người dân và vì lợi ích của đông đảo
tầng lớp nhân dân lao động.
Vì
vậy, nói Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền, hay rêu rao rằng Việt
Nam không có dân chủ, nhân quyền... chỉ là những luận điệu xuyên tạc,
bịa đặt, vu khống vô căn cứ của các thế lực thù địch, những kẻ
phản động, cơ hội cực đoan để thực hiện mưu đồ chính trị xấu là
chống phá Đảng, Nhà nước và ngăn cản tiến trình xây dựng CNXH ở
Việt Nam mà thôi. Việt Nam luôn kiên định và ngày càng chứng minh con
đường XHCN mà chúng ta lựa chọn là hoàn toàn đúng đắn. CNXH không
chỉ là đích hướng tới của riêng Việt Nam mà của toàn nhân loại. Ngay
cả các nước TBCN dù muốn chối bỏ, phủ nhận, nhưng theo quy luật tất
yếu cũng sẽ tới đích đó. Hiện thực ở một số quốc gia TBCN phát
triển hiện nay trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao chất
lượng cuộc sống của nhân dân, đáp ứng ngày càng tốt hơn những quyền
và lợi ích chính đáng của người dân... chính là những minh chứng cho
khẳng định đó.
Để
thực hiện mục tiêu xây dựng thành công chế độ XHCN tốt đẹp, tiến bộ,
văn minh, Việt Nam đã, đang và sẽ luôn coi trọng, ghi nhận và không
ngừng nỗ lực bảo đảm, bảo vệ ngày càng tốt hơn dân chủ, nhân quyền
cho mọi người dân, bởi lẽ bảo đảm dân chủ, bảo vệ nhân quyền là bản
chất ưu việt của chế độ XHCN Việt Nam, là mục tiêu, động lực, yêu
cầu, nhiệm vụ trọng yếu của quá trình xây dựng CNXH ở Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét